Phùng Văn Hùng nổi tiếng trên mạng xã hội với danh xưng Hùng Bá - "Vua tiền tệ". Để trở thành người sở hữu kho tiền cổ, tiền hiện đại có seri đẹp số lượng lớn như hiện nay, Hùng Bá đã trải qua nhiều vất vả.
9X đến từ Thanh Hóa còn nổi tiếng trong giới vì sở hữu kho tiền khổng lồ với hơn 1.000 loại khác nhau, từ tiền giấy đến tiền xu, tiền xưa rất đa dạng phong phú.
Khi bắt đầu xây dựng kênh TikTok, nhiều người biết Hùng có niềm đam mê sưu tập tiền. “Một người tìm đến và thách đố nếu tôi tìm được tờ tiền theo năm sinh của họ thì sẽ gọi tôi là ‘Vua tiền tệ’. Tôi chấp nhận và hoàn thành thử thách. Cũng từ đó, biệt danh Hùng Bá - 'Vua tiền tệ' gắn liền với tôi như một thương hiệu”, Hùng chia sẻ với báo VietNamNet.
Sớm trở thành nhà sưu tập tiền có tên tuổi, 9X cũng phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều nỗi khổ "không giống ai".
Ăn mì tôm nhiều ngày để dành tiền mua đồ cổ
Cách đây 13 năm, trong lần tình cờ tới Bảo tàng Hà Nội, Hùng mua được một bộ 20 tờ tiền xưa với giá 150.000 đồng. 9X không ngờ việc sở hữu bộ sưu tập tiền đầu tiên này chính là bước ngoặt thay đổi cuộc đời mình.
“Lúc đó tôi đang là sinh viên, hàng tháng bố mẹ chỉ cho 2 anh em tiền ăn thôi. Muốn thỏa mãn đam mê sưu tầm tiền cổ, tôi phải có tiền. Tôi nghĩ chắc chắn sẽ có nhiều người thích tiền xưa giống mình nên quyết định chỉ giữ lại vài tờ tiền đẹp, chỗ còn lại bán với giá chênh để kiếm lời”, Hùng nhớ lại.
Việc rao bán tiền cổ với chàng sinh viên ngành CNTT không quá khó khăn. Chỉ trong một buổi chiều, anh đã đăng hàng trăm bài rao bán lên mạng. Hùng không ngờ, ngày hôm sau đã có người hỏi mua.
Anh bán một phần trong bộ sưu tập đầu tiên của mình với giá 350.000 đồng. Cứ dần dần, Hùng đi mua và chỉ giữ những tờ đẹp mà mình thích, chỗ còn lại bán chênh lên kiếm lời.
Để có tiền mua đồ thỏa mãn đam mê, Hùng thường xuyên vay tiền em gái và bạn bè. Nhiều lần vì cần gấp, anh thuyết phục em gái cùng mình ăn mì tôm nhiều ngày để dồn tiền đi mua đồ cổ.
Khi Hùng mới bắt đầu dấn thân sưu tầm tiền cổ, mạng xã hội chưa phát triển mạnh như bây giờ. Anh phải lên các trang rao vặt đăng tin hoặc đi lang thang tới các cửa hàng đồ lưu niệm, chợ đồ cũ khu vực phố cổ Hà Nội để lùng sục tiền đẹp.
Với người có đam mê sưu tầm, không gì khổ bằng việc không sở hữu được món đồ mình yêu thích. Với Hùng cũng vậy. Anh từng trải qua rất nhiều chuyến đi, lăn lộn thuyết phục mà không có được thứ mình thích.
Hùng kể, 5 năm trước, anh nghe tin có người ở Bình Dương sở hữu một số lượng lớn tiền xưa và tiền xu. Thuyết phục được chủ nhân, 9X lập tức cùng bạn bắt xe khách từ Hà Nội vào. Nhưng sau đó, người này lại đổi ý.
“Tôi phải tiếp tục ăn nằm ở đó 5 ngày chỉ để thuyết phục họ đồng ý. Vậy mà họ vẫn từ chối. Phải đi về tay không, lần đó có lẽ là kỷ niệm tiếc nuối nhất của tôi”, Hùng nhớ lại.
Với Hùng, sở hữu món đồ mình thích, quan trọng nhất là để thỏa mãn đam mê sở hữu chúng.
Không dám khoe đồ quý
Nghe tin con một chủ tiệm vàng ở Vinh (Nghệ An) sở hữu tờ tiền 100 USD có số seri bát quý 8, Hùng Bá tìm mọi cách tiếp cận, liên tục thuyết phục nhưng không được.
Sáng 20/10 cách đây 8 năm, chủ nhân tờ tiền độc nhất vô nhị đó lại chủ động liên hệ Hùng. Ngay sau thỏa thuận, Hùng cuống cuồng đi vay tiền để mua. Đến 13h, Hùng ra bến xe Nước Ngầm lặn lội bắt xe về Vinh.
Được sở hữu tờ đô la số đẹp, Hùng âm thầm “hưởng thụ” không dám khoe với ai. Hơn 1 năm sau, 9X mới "dám" đăng lên mạng xã hội.
Chi nhiều tiền để bảo quản... tiền
Thời sinh viên đi thuê nhà trọ, bộ sưu tập quý giá được Hùng Bá cất trong 1 cuốn album. Có hôm, 9X ngủ mơ bị trộm lấy mất. Tỉnh dậy, Hùng sợ quá liền mang cuốn album kê dưới gối đầu giường để ngủ.
Sau hàng chục năm tích lũy, bộ sưu tập của Hùng có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. 9X cũng tự tin không ai dám trộm những món đồ đặc biệt của mình. “Cả nước chỉ có khoảng hơn 1.000 người sưu tập tiền, gần như ai cũng biết nhau. Người trong giới sưu tầm, chỉ cần nhìn hình ảnh, ký tự tờ tiền là biết của ai. Vì thế, người nào lấy bộ sưu tập của tôi sẽ không dễ tiêu thụ, và nếu có thì chắc chắn sẽ tìm ra ngay”, Hùng Bá nói.
Càng sưu tầm, càng ham, Hùng sẵn sàng đi khắp đất nước tìm kiếm những tờ tiền cổ. Hùng phải nghiên cứu tìm hiểu thật nhiều để có khả năng phân biệt thật giả, tránh bị lừa đảo.
Hệ thống tủ chống ẩm được Hùng đầu tư để bảo quản "kho" tiền
Hùng Bá không tiếc tiền đầu tư hệ thống 18 chiếc tủ chống ẩm để bảo quản hơn 5 triệu tờ tiền chất liệu cotton. Miền Bắc vào mùa nồm độ ẩm cao, nên cần phải bảo quản tiền giấy trong tủ duy trì độ ẩm. Tiền giấy để bên ngoài lâu năm sẽ bị ố vàng, đổi màu. Vì thế, việc cho những tờ tiền vào túi nilon, cho vào hộp kín rồi cất trong tủ chống ẩm là cách bảo quản tốt nhất.
Hùng phân loại, bảo quản các tờ tiền giấy rất kỹ lưỡng và khoa học. Chỉ cần khách có nhu cầu, sau vài phút 9X có thể lấy ra tờ tiền đúng ý.
Để tránh bị giả mạo, Hùng đã đăng ký bản quyền thương hiệu lên Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam
Dày công lên ý tưởng cho nhà trưng bày tiền
Đầu năm 2023, kỷ lục gia Việt Nam đã hoàn thiện được ngôi nhà trong mơ của mình. Hàng loạt các chi tiết trang trí thể hiện niềm đam mê sưu tầm của anh như 5 đồng xu gắn trên tường bên ngoài nhà, nền gạch hoa họa tiết đồng tiền xu xưa, những bức tranh chứa vô số tờ tiền đủ loại mệnh giá trên thế giới, những bản "uncut" độc đáo của các phiên bản tiền... khiến khách tới thăm mê mẩn ngắm nhìn.
Trần của phòng khách được trang trí đặc biệt, ghép lại từ 24 tấm kim loại gắn tiền xu mệnh giá 2.000 và 5.000 đồng. "Sau nhiều năm lên ý tưởng và chuẩn bị, dù có sẵn số lượng tiền xu nhưng tôi vẫn phải rất vất vả mới tìm được thợ nhận thi công công trình này. Bởi gắn 500kg tiền xu lên trần không phải là chuyện đơn giản", Hùng nói.
Một điểm nhấn khác của ngôi nhà chính là bức chân dung Hùng được gắn từ hàng nghìn đồng xu. Đây chính là bức ảnh gắn liền với thương hiệu Hùng Bá - "Vua tiền tệ" trên mạng xã hội
"Tôi vẫn ấp ủ giấc mơ mở 1 bảo tàng tư nhân về tiền tệ để mọi người có thể đến tham quan miễn phí, cùng nhìn lại lịch sử Việt Nam thông qua tiền tệ", Hùng chia sẻ.
Theo Vietnamnet