Vừa có những biến động trong cơ cấu cổ đông của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIBank). Nhóm cổ đông ngoại bất ngờ bán ra, xuất hiện đại gia mới trong nước vào sở hữu.
Xuất hiện nhóm cổ đông lớn mới sau thương vụ nghìn tỷ đồng
Theo Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã VIB), do ông Đặng Khắc Vỹ làm chủ tịch, vừa ghi nhận sự xuất hiện của nhóm nhà đầu tư mới, nắm giữ trên 5% cổ phần.
Ngày 24/9, CTCP Unicap (trụ sở tại TPHCM) mua thành công hơn 66,7 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0 lên 2,241%. Với mức giá 19.100 đồng/cp, ước tính Unicap đã chi cho thương vụ mua này khoảng 1.270 tỷ đồng.
Sau giao dịch, nhóm cổ đông gồm Unicap và 2 cá nhân liên quan là Nguyễn Thùy Nga, Tống Ngọc Mỹ Trâm, nắm giữ tổng cộng gần 222,6 triệu cổ phần, tương đương 7,47% vốn.
Bà Nguyễn Thùy Nga là cổ đông từ trước của VIB, với hơn 70 triệu cổ phần, tương đương 2,351% vốn điều lệ. Bà Tống Ngọc Mỹ Trâm cũng là cổ đông từ trước, với gần 98 triệu cổ phần, tương đương 3,288% vốn điều lệ.
Tại Unicap, bà Nga là cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết và là chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc. Bà Trâm cũng là cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết và là thành viên HĐQT.
Mặc dù là cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Unicap nhưng bà Nga và bà Trâm có tỷ lệ sở hữu tại Unicap khá thấp, tương ứng là 1,945% và 3,285%. Nhiều khả năng có ông chủ khác nắm cổ phần chi phối tại Unicap hoặc các cá nhân nói trên nắm giữ cổ phần Unicap thông qua các tổ chức/cá nhân khác.
Một điểm đáng chú ý, Unicap mới được thành lập ngày 4/9, ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm. Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thùy Nga.
Cũng liên quan tới thay đổi cổ đông lớn, ngày 26/9, cổ đông ngoại Commonwealth Bank of Australia (Úc) đã bán thành công 148 triệu cổ phiếu. Tổ chức này giảm số lượng cổ phần nắm giữ từ hơn 588,2 triệu đơn vị, xuống còn hơn 440 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ giảm từ 19,74% xuống còn 14,78%.
Các nhóm cổ đông lớn tại VIBank
Sau 2 giao dịch trên, VIBank đã báo cáo cập nhật về cổ đông nắm trên 1% vốn ngân hàng, trong đó có tên CTCP Unicap.
Theo VIBank, 19 cổ đông sở hữu khoảng 1,8 tỷ cổ phiếu, tương đương khoảng 70% vốn điều lệ, gồm 13 cá nhân và 6 tổ chức (thêm Unicap từ 24/9).
Cơ cấu cổ đông tại VIBank chia làm 5 nhóm lớn. Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ và nhóm người có liên quan sở hữu hơn 20% vốn điều lệ. Riêng đại gia khởi nghiệp từ Đông Âu Đặng Khắc Vỹ nắm 4,949% cổ phần. Nhóm người có liên quan tới ông Vỹ sở hữu hơn 15,316%. Bà Trần Thị Thảo Hiền, vợ ông Vỹ, nắm giữ 125 triệu cổ phần, tương đương 4,9% vốn. Hai tổ chức có liên quan đến ông Vỹ là CTCP Beston sở hữu hơn 4,68% và CTCP Funderra nắm 4,68%.
Nhóm thứ 2, Commonwealth Bank of Australia (CBA), cổ đông chiến lược và cũng là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 440 triệu cổ phần, tương đương 14,78%.
Nhóm thứ 3, ông Đỗ Xuân Hoàng (thành viên HĐQT) nắm gần 4,95% và những người liên quan nắm hơn 4,34%. Trong đó, 2 con ông Hoàng mỗi người nắm 1,277% và bố đẻ ông Hoàng nắm gần 0,3% cổ phần.
Nhóm thứ 4, CTCP Unicap và 2 cá nhân liên quan gồm Nguyễn Thùy Nga, Tống Ngọc Mỹ Trâm, nắm giữ 7,47% vốn.
Nhóm thứ 5, một doanh nghiệp kín tiếng của phó chủ tịch HĐQT Đăng Văn Sơn. Ông Sơn không nắm cổ phần VIB nhưng bà Đặng Thị Thu Hà (vợ ông Sơn) nắm 2,73%. Người liên quan nắm 0,7%.
Bên cạnh đó, CTCP Uniben (chủ thương hiệu Mỳ 3 Miền) cũng là cổ đông nắm giữ hơn 2,6% cổ phần.
Cổ đông cá nhân Vũ Huy Hoàng nắm hơn 4,8% cổ phần. CTCP Cơ điện lạnh (REE) của bà Nguyễn Thị Mai Thanh sở hữu gần 2% cổ phần. REE là một doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tài chính rất mạnh trong vài năm gần đây.
Có thể thấy, nhóm cổ đông do ông Đặng Khắc Vỹ (SN 1968, Nghệ An) đại diện vẫn nắm chi phối. Từng là một doanh nhân kín tiếng, năm 2013, ông Vỹ mới được biết đến rộng rãi sau khi VIB sắp xếp lại nhân sự cấp cao. Ông Vỹ đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT thay cho ông Hàn Ngọc Vũ. Trên thực tế, ông Vỹ là cổ đông sáng lập với tỷ lệ sở hữu lớn, gắn bó và đặt nền móng cho VIB cả chục năm trước đó, nhưng năm 2013 mới lộ diện.
Nhóm cổ đông ông Vỹ và những người liên quan đang nắm giữ hơn 514 triệu cổ phần, trị giá gần 10.000 tỷ đồng.
Ông Đặng Khắc Vỹ từng rất nổi tiếng về kinh doanh mì gói tại Nga. Ông là thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Mareven Food Holding Limited - một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng tại các thị trường Đông Âu, Tây Âu. Uniben và Unicap cũng là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm.
VIB là một trong 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam và là nhà băng đầu tiên hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II. Trong năm 2022 và 2023, VIB lãi kỷ lục khoảng 8.500 tỷ đồng/năm. VIB tập trung vào khách hàng cá nhân và không cho vay lớn.
Sau nhiều năm tái cấu trúc, hệ thống ngân hàng có sự khởi sắc rõ ràng, nợ xấu trên toàn hệ thống giảm mạnh, lợi nhuận tăng mạnh và tỷ lệ an toàn tăng cao. Nhiều ngân hàng bứt phá mạnh mẽ và lọt nhóm có lợi nhuận nghìn tỷ.
Theo Vietnamnet