Rủi ro vẫn hiện diện có thể khiến thị trường chứng khoán biến động. Tuy nhiên, nhìn chung, dòng tiền vẫn đang tìm tới kênh cổ phiếu dù khối ngoại bán mạnh, trong khi các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) vẫn trong xu hướng nhích lên dù giới đầu tư lo ngại các biến số rủi ro còn hiện diện, có thể tác động mạnh tới giá cổ phiếu, gồm cả những mã trụ cột như nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán...
Một xu hướng khiến nhiều người quan tâm là hoạt động bán tháo kéo dài của các nhà đầu tư nước ngoài. Ở chiều ngược lại, nhóm các nhà đầu tư cá nhân trong nước mua vào khá mạnh, qua đó tạo ra sự cân bằng trên thị trường.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các khối ngoại vẫn bán ròng hàng tỷ USD cổ phiếu Việt? Các nhà đầu tư trong nước tin vào điều gì khi tiếp tục đổ tiền mua cổ phiếu?
Diễn biến lạ trên thị trường
Ông Nguyễn Tiến Đường, một nhà đầu tư tại TP.HCM, nói rằng sau nhiều ngày mở bảng giao dịch cổ phiếu, ông khá bất ngờ thấy chỉ số VN-Index tăng lên và hướng về ngưỡng 1.300 điểm.
Nhà đầu tư này gần đây đánh cược vào khả năng TTCK khó đi lên trong bối cảnh trong nước và thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu nói chung.
Hoạt động bán tháo của các nhà đầu tư nước ngoài kéo dài trong nhiều tháng qua là điều mà ông Đường rất quan tâm. Tuy nhiên, dòng tiền nội, đặc biệt từ khối nhà đầu tư cá nhân, vẫn khá mạnh mẽ.
Trên thực tế, trong phiên giao dịch 8/7, hàng loạt cổ phiếu blue-chips bị bán mạnh. Khối ngoại bán ròng kỷ lục 2.500 tỷ đồng, sau khi đã bán ròng gần 2 tỷ USD giá trị cổ phiếu Việt trong 6 tháng đầu năm, tương đương bình quân hơn 300 tỷ đồng/phiên.
Nhóm cổ phiếu trụ cột giảm giá khá mạnh nhưng chỉ số VN-Index vẫn có một phiên tăng điểm nhờ sự bứt phá của nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ. Chỉ số VNSmallcap sàn HOSE tăng 0,86%.
Dòng tiền đổ vào các cổ phiếu quy mô vốn nhỏ. Ảnh: HH
Tới phiên 9/7, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng mạnh 10,15 điểm (tương đương tăng 0,8%) lên 1.293,71 điểm. Áp lực bán ròng kỷ lục của khối ngoại trong phiên liền trước không ngăn cản được dòng tiền của nhóm các nhà đầu tư cá nhân.
Tiền đổ vào bắt đáy cả nhóm cổ phiếu trụ cột, qua đó khiến 25/30 cổ phiếu nhóm VN30 tăng giá.
Nhiều báo cáo gần đây cho rằng, sở dĩ khối ngoại bán mạnh là do lãi suất đồng USD trên thị trường quốc tế ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất điều hành ở mức 5,25-5,5%/năm, trong khi đó lãi suất trên thị trường liên ngân hàng của Việt Nam nhiều khoảng thời gian rất thấp, có lúc dưới 0,5%/năm.
Hoạt động bán ròng của khối ngoại còn do tỷ giá USD/VND tăng không ngừng trong 6 tháng đầu năm, những rủi ro tiềm ẩn tại Việt Nam cũng như trên thị trường tài chính quốc tế.
Thực tế cho thấy, hiện tượng rút vốn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều nước khác như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...
Dòng tiền mạnh, cá nhân nội đánh cược vào điều gì?
Trên thực tế, TTCK Việt Nam vẫn mang nhiều gam màu sáng khi nối tiếp đà hồi phục từ tháng 11/2023 và tiếp tục đi lên. Thị trường ghi nhận nhịp điều chỉnh trong tháng 4 và mức giảm 1,3% trong tháng 6. Tuy nhiên, VN-Index vẫn tăng 10,2% kể từ đầu năm.
Thống kê giao dịch hàng ngày từ các công ty chứng khoán cho thấy, nhóm các nhà đầu tư cá nhân là lực lượng mua ròng mạnh, qua đó cân đối áp lực bán từ việc bán ròng của khối ngoại.
Ông Văn Tám, một nhà đầu tư tại Hà Nội, kể gần đây ông rót thêm tiền vào một số mã cổ phiếu do nhận thấy tỷ giá USD/VND đã dịu bớt, các số liệu kinh tế vĩ mô tích cực hơn trong khi tiền còn khá rẻ, các kênh đầu tư khác chưa hấp dẫn, lãi suất ngân hàng chỉ nhích nhẹ.
Theo ông Tám, còn nhiều biến số rủi ro tiềm ẩn nhưng chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Nhiều doanh nghiệp được dự báo có kết quả kinh doanh tốt trong quý II/2024.
Trên thực tế, tỷ giá USD đã hạ nhiệt. USD trên thị trường tự do rớt từ mức trên 26.000 đồng/USD về mức 25.870 đồng/USD vào sáng 9/7. Trên hệ thống ngân hàng, USD tại Vietcombank giảm từ mức 25.470 đồng/USD hồi cuối tháng 6 về mức 25.454 đồng/USD hôm 9/7.
Tình hình kinh tế chính trị có nhiều biến động nhưng nhìn chung, số liệu vĩ mô 6 tháng tích cực hơn rất nhiều.
Nhiều kỷ lục đã được thiết lập trong II với GDP quý II tăng 6,93%, vượt qua dự báo của hầu hết các tổ chức lớn và là quý II tăng cao nhất trong 13 năm trở lại đây, trừ giai đoạn đặc biệt 2022 (tăng 7,99%).
Xuất khẩu trong 6 tháng đạt hơn 190 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỷ lục 185 tỷ USD thiết lập trong nửa đầu năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục lịch sử mới: 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế trong 6 tháng tăng 58,4% lên mức cao kỷ lục 8,8 triệu lượt...
Theo Chứng khoán SSI, nhiều khả năng TTCK tiếp tục xu hướng tăng trưởng, dù các biến số rủi ro vẫn còn hiện diện có thể khiến thị trường biến động. Theo đó, chỉ số giá/thu nhập cổ phiếu (P/E) ước tính năm 2024 của VN-Index hiện ở mức 11,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 13,4 lần. Với mức định giá này, “cửa tăng” của VN-Index vẫn sáng trong nửa cuối năm và sang năm 2025.
Về dòng tiền khối ngoại, áp lực rút vốn sẽ nhẹ bớt về cuối năm với kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất. SSI duy trì mục tiêu 1.300-1.350 cho VN-Index vào cuối năm 2024.
MBS Research cũng dự báo VN-Index sẽ đạt mốc 1.380 điểm vào cuối năm với kỳ vọng đà tăng trưởng của nền kinh tế trong quý III và quý IV tới đạt lần lượt 6,6% và 6,5%, nhờ sự phục hồi của xuất khẩu cũng như mở rộng đầu tư và giải ngân đầu tư hiệu quả hơn.
Ở chiều ngược lại, một số tổ chức tỏ ra thận trọng. SGI Capital lo ngại về hoạt động bán ròng kỷ lục của khối ngoại, việc cổ đông nội bộ và cổ đông dài hạn bán ra, thanh khoản trên thị trưởng giảm sút... Khả năng Fed giảm lãi suất cũng chưa thực sự rõ ràng.
Theo Vietnamnet