Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2024 quy định, lao động nam và nữ có cùng thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, có tỷ lệ hưởng lương hưu khác nhau.
Luật BHXH 2024 vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2025 quy định người lao động đóng BHXH tối thiểu 15 năm, đến tuổi nghỉ hưu sẽ được nhận lương hưu hằng tháng.
BHXH Việt Nam cho biết, quy định trên áp dụng với cả người đã tham gia BHXH từ trước ngày Luật BHXH 2024 có hiệu lực. Việc giải quyết các chế độ được xác định theo quy định của pháp luật về BHXH tại thời điểm hưởng chế độ, trừ trường hợp luật này có quy định khác.
Nghỉ hưu sớm phải đóng BHXH ít nhất 20 năm
Luật BHXH 2024 cũng quy định, nếu người lao động nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động, thì phải có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên và được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp:
Có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%.
Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng LĐ-TB&XH ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Cùng đóng BHXH 15 năm, lao động nam và nữ có tỷ lệ hưởng khác nhau
Theo Luật BHXH 2024, từ 1/7/2025 tỷ lệ hưởng lương hưu được quy định: Đối với lao động nữ, tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam, tỷ lệ hưởng tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH. Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Trường hợp nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định bị giảm 2%.
Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.
Theo các chuyên gia lao động, quy định giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hưởng lương hưu là phù hợp, có lợi cho người lao động. Quy định này không phải dành cho lao động trẻ mà tạo cơ hội cho người cao tuổi tham gia BHXH muộn nhưng vẫn đủ điều kiện khi về hưu, hoặc những người tham gia gián đoạn có thể cộng dồn để hưởng lương hưu.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, khi giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm hưởng lương hưu, do thời gian đóng BHXH ngắn, mức đóng thấp nên mức lương hưu sẽ thấp. Nếu thấp quá không đủ sống, Nhà nước cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để người về hưu đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
Dù mức lương của người đóng BHXH 15 năm có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu nên nhận BHXH một lần thì nay sẽ có cơ hội hưởng lương hưu hằng tháng.
“Với nhóm đối tượng này, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn so với những người có thời gian đóng BHXH dài nhưng lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh. Trong thời gian hưởng lương hưu, họ sẽ được Quỹ BHXH đóng BHYT, góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già”, ông Huân nói.
Theo Vietnamnet