Top 10 ngân hàng TMCP tư nhân có số nộp ngân sách lớn nhất đã đóng góp tổng cộng hơn 36.800 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, tất cả đều đóng góp trên 1.000 tỷ đồng vào ngân sách.
Số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của các ngân hàng cho thấy, năm 2023, Top 10 ngân hàng tư nhân có số nộp ngân sách lớn nhất đã đóng góp tổng cộng hơn 36.800 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, tăng hơn 10.700 tỷ đồng so với năm 2022.
10 ngân hàng tư nhân đứng đầu về nộp ngân sách Nhà nước gồm: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank). Tất cả ngân hàng này đều có số nộp ngân sách năm 2023 trên 1.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng trong Top 10 có mức nộp ngân sách tăng gấp đôi so với năm trước. Điều này cho thấy các ngân hàng đã luôn duy trì sự ổn định và tăng trưởng, thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung.
2023 là một năm có rất nhiều khó khăn, thách thức với nền kinh tế Việt Nam nói chung và đặc biệt với hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản và cuộc khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp kéo dài từ cuối năm 2022 sang đầu năm 2023.
Điều này dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhu cầu tín dụng giảm và sức khỏe của nhiều doanh nghiệp bị suy yếu, kéo theo khó khăn của các ngân hàng.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đã chia sẻ lợi ích và rủi ro với cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc hạ lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo Thông tư 02.
Năm 2024, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngàng ngân hàng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá, về cơ bản các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được Chính phủ, NHNN giao tại chỉ thị, chương trình hành động của NHNN… Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các TCTD thực hiện một cách thực chất, công khai, minh bạch các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, các TCTD chú trọng tới việc nâng cao quản trị, điều hành, dự báo từ sớm, từ xa các nguy cơ để đảm bảo an toàn hệ thống. Hoạt động quản trị rủi ro của các TCTD phải bao quát, toàn diện với tất cả mặt hoạt động. Đối với riêng hoạt động tín dụng, TCTD phải thường xuyên rà soát, đối chiếu để kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo tín dụng an toàn hiệu quả, phối hợp với sở, ban, ngành địa phương để nắm bắt thông tin kịp thời. Cùng với đó là nâng cao vai trò của ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
Thống đốc cũng yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Theo Vietnamnet