12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đã hoàn thành và đưa vào khai thác, trong đó có các tuyến: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Mỹ Thuận - Cần Thơ… có thể triển khai thu phí.
Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ GTVT dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT.
Theo ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, quan điểm nhất quán của Bộ GTVT là những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu thì mới triển khai thu phí. Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận. Việc thu phí là để có nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.
Do đó, tại dự thảo nghị định nêu rõ, những tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư được phép triển khai thu phí phải thỏa mãn điều kiện là công trình được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.
Điều kiện thứ hai là công trình đường bộ cao tốc đã hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Điều kiện thứ ba là đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí theo quy định.
Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1/1/2025 mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1, Điều 45 và khoản 2, Điều 47 của Luật Đường bộ, việc thu phí sẽ được triển khai sau khi đáp ứng điều kiện thứ 2 và 3.
Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam, đây cũng là yêu cầu bắt buộc được quy định tại Luật Đường bộ.
Căn cứ những điều kiện trên, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện có 12 dự án, đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng có thể triển khai thu phí.
Các tuyến cao tốc này gồm: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Số lượng dự án cao tốc sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2025, nếu 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành đúng kế hoạch.
Về mức phí, Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh sẽ tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số CPI và chi phí logistics. Việc xây dựng mức phí dựa trên 4 nguyên tắc, trong đó đáng lưu ý là việc mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Bên cạnh đó, mức thu cho phép người sử dụng đường cao tốc chia sẻ lợi ích với Nhà nước. Do đó, mức thu phải thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc có được.
Trên cơ sở đó, có 3 phương án quy định mức thu được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu đề xuất áp dụng, gồm: Phương án thấp với mức phí xác định trên cơ sở 50% lợi ích người sử dụng; Phương án trung bình với mức phí xác định trên cơ sở 60% lợi ích người sử dụng; Phương án cao với mức phí xác định trên cơ sở 70% lợi ích người sử dụng.
Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất chọn phương án cao cho các tuyến cao tốc đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn và chọn phương án thấp cho các tuyến cao tốc khai thác trước ngày 1/1/2025 mà chưa đáp ứng đầy đủ quy định.
Theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy, so với lưu thông trên quốc lộ song hành, phương tiện đi trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân 4.824 đồng/xe/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.
Theo Vietnamnet