Theo nguồn tin của Bloomberg, Apple đề xuất đầu tư gần 10 triệu USD để sản xuất thêm hàng hóa tại Indonesia nhằm thuyết phục nước này dỡ bỏ lệnh cấm iPhone 16.
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, kế hoạch liên quan đến việc Apple đầu tư vào một nhà máy ở Bandung, phía đông nam Jakarta, cùng với các nhà cung ứng của mình. Nhà máy này sẽ sản xuất các sản phẩm như linh phụ kiện cho thiết bị Apple.
Apple đã trình kế hoạch sơ bộ lên Bộ Công nghiệp Indonesia. Tháng trước, bộ quyết định không cấp giấy phép để iPhone 16 được bán trong nước với lý do “táo khuyết” không đáp ứng yêu cầu hàm lượng nội địa tối thiểu 40% trong smartphone và máy tính bảng.
Theo Bloomberg, Bộ Công nghiệp Indonesia đang cân nhắc đề xuất của Apple và sẽ sớm ra quyết định.
Lệnh cấm iPhone 16 là ví dụ mới nhất về áp lực mà tân Tổng thống Prabowo Subianto gây ra đối với các công ty nước ngoài nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, trong khi tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp nội.
Sau khi cấm iPhone 16, Indonesia cũng cấm Google bán điện thoại Pixel với lý do tương tự.
Chính quyền cựu Tổng thống Joko Widodo đã áp dụng các biện pháp này trước đây. Năm 2023, Indonesia cấm ByteDance của Trung Quốc nhằm bảo vệ lĩnh vực bán lẻ trước các hàng hóa giá rẻ Trung Quốc, khiến hãng phải đầu tư 1,5 tỷ USD trong liên doanh với Tokopedia, công ty thương mại điện tử của tập đoàn GoTo.
Apple chưa có nhà máy riêng tại Indonesia và như nhiều công ty đa quốc gia khác, họ hợp tác với các nhà cung ứng địa phương để sản xuất linh kiện hoặc hàng hóa thành phẩm.
Bloomberg nhận định, số tiền gần 10 triệu USD tương đối “nhẹ” đối với Apple để được tiếp cận khoảng 278 triệu người dân Indonesia một cách thoải mái hơn.
Dù Indonesia có thể xem khoản đầu tư bổ sung của Apple là thắng lợi, cách tiếp cận này có nguy cơ ngăn cản các công ty khác mở rộng hiện diện hoặc gia nhập thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp đang tìm cách xoay trục khỏi Trung Quốc.
Theo chính phủ Indonesia, Apple mới đầu tư 1,5 nghìn tỷ rupiah (95 triệu USD) thông qua các học viện nhà phát triển, chưa đạt mức cam kết 1,7 nghìn tỷ rupiah.
Các quan chức cũng yêu cầu Tokopedia và TikTok xóa những người bán iPhone 16 trên nền tảng nếu không muốn gặp rắc rối pháp lý.
Số tiền còn thiếu là nguyên nhân Bộ Công nghiệp không cấp chứng nhận Nhận dạng thiết bị di động quốc tế (IMEI) cho thiết bị. Bộ cho biết, “chưa thể cấp giấy phép cho iPhone 16 vì vẫn còn những cam kết mà Apple phải thực hiện”.
Ngoài ra, giấy chứng nhận tỷ lệ nội địa hoá - TKDN - của Apple đã hết hạn và đang chờ gia hạn.
Đầu năm nay, Indonesia đã áp đặt hạn chế nhập khẩu đối với hàng nghìn sản phẩm - từ MacBook đến lốp xe, hóa chất - để buộc các công ty nước ngoài mở rộng quy mô sản xuất.
Song, động thái này gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả những người chơi hiện diện lâu năm như LG Electronics.
Công ty Hàn Quốc phàn nàn họ không thể nhập khẩu một số thành phần nhất định để sản xuất máy giặt và TV.
Bất chấp liên tục kêu gọi doanh nghiệp quốc tế tăng cường sản xuất, ngành công nghiệp nội địa Indonesia đang suy yếu. Tỷ trọng của sản xuất trong GDP giảm từ 21,1% năm 2014 xuống 18,7% năm 2023.
Theo Vietnamnet