Nghe bà phàn nàn đĩa rau muống xào giá có thêm ráu tỏi, người chồng cười, bảo vội quá, xin thông cảm cho. Rồi mệt, thiếp đi, sáng lạnh tỉnh dậy, thấy mình nằm trên đống, tận làng bên, gối đầu lên mộ người con gái ấy, tay vẫn cầm cái vòng ngọc cô tặng trả ơn mới biết mình vừa đỡ đẻ cho người đã chết. Sau này dân hai làng xây Miếu Ông, Miếu Bà, đắp một con đường nối hai ngôi miếu...
Chỗ đầu hồi nhà ngang, dưới tán cây bưởi đào, bà nội tôi cho vẩy thêm một chái, mái lợp lá gồi, vách liếp lửng cao ngang ngực người lớn. Mỗi lần kiễng chân, rướn cổ, kê cằm vào thân tre tròn, nhẵn bóng, nhìn qua vách tôi thấy ao ngoài, thấy gò duối dại và thấy cả cánh đồng có con đường nhỏ trải sỏi vàng dẫn từ làng ra đường cái. Đầu con đường bắt vào làng là Miếu Ông, nằm tĩnh lặng trong lùm si, rễ phủ kín mái. Cuối con đường là Miếu Bà, trên gò đất cao, cúc dại giăng kín lối. Và khoảng giữa con đường ấy, dưới gốc đa buông hàng chục thân, có một cái quán nhỏ, mái rạ, tường đất nện, cửa dấp bằng một bó rào.
Ấy là cái quán của bà.
Ông nội tôi mất sớm. Bà ở góa từ năm hai mươi tuổi và nuôi con bằng nghề hàng xáo. Cái chái nhà ngang vẩy thêm này là giang sơn riêng của những cối xay, cối giã, thúng mủng giần sàng. Từ nhập nhoạng lên đèn, qua đêm, đến một hai giờ sáng chẳng lúc nào yên tĩnh. Tiếng ù ù, rào rào của cối xay tre nhả gạo vừa bật trấu xuống lòng nia. Tiếng ngõng cối kẽo kẹt. Tiếng rì rầm xôn xao của hạt gạo tách trấu lọt sàng. Và đờ đẫn trong cơn thèm ngủ là tiếng mỏ chày nện trong lòng cối đá, buông vào lòng đêm những âm thanh chắc và dầy - những âm thanh ru tôi thành quen, từ lúc còn bé xiu đến khi bà mất - năm tôi mười bốn tuổi.
Bố mẹ đi làm xa, hàng đêm tôi chẳng chịu ngủ trên nhà - trên cái giường nạch tre bên cạnh bàn thồi có ba tấm bài vị đứng im lìm, phủ vải đỏ mà chỉ xuống dưới chái với bà. Mùa hè, một manh chiếu đơn trải trên nền đất, nghe gió từ đồng thổi vào tung lá màn ngả màu nâu, chằng đụp những mụn. Mùa đông, khoanh tròn trong lòng nia lót rơm thành ổ, ghẹm chăn đơn gọn trong lòng cái nùn rơm khép kín, nghe bà kể chuyện rì rầm. Từ chuyện ngày mai đi dận rạ đồng chiêm phải mang thêm cái giỏ nhặt ốc về nấu bí. Chuyện con mèo hàng xóm rõ cái giống vô dụng, đẻ xong ăn thịt hết cả con. Chuyện con lợn lai sổng chuồng ra quần nát chân ruộng mạ... Đến chuyện ban đêm, nếu nghe trong thanh vắng có tiếng vọng vi vút, nửa như tiếng sáo, nửa như không từ giữa trời mơ hồ vẳng đến rót vào tai thì ngày mai hay mốt thế nào làng cũng có tang. Chuyện cánh Bờ Cà um duối dại cách nhà một đoạn, những đêm ẩm trời đầy những đốm sáng, hoặc xanh hoặc da cam, vờn chập chờn. Nếu có gan và tỉnh mắt, lại gần nhìn kĩ, kiểu gì cũng thấy những dáng người mờ trắng, chân tay khẳng khiu, dài nhằng nhẵng, lướt như bơi trên không. Những đốm sáng ấy là cái đầu. Ma trơi đấy! Hàng xáo, đi đêm về hôm, ma nào chẳng gặp. Nhưng ma trơi hiền nhất, chỉ quẩn quanh bờ bụi, gò đống, níu chân mình một lúc, gặp quầng sáng là hoảng, tan ngay.
Tôi ngồi thu lu trong lòng nia, trùm cái chăn chiên chỉ còn hở hai con mắt, há mồm nghe đủ thứ chuyện như thế rồi lăn ra ngủ trong tiếng rì rầm gạo nói chuyện với trấu, trong âm thanh đơn điệu chãy giã ru đêm về sáng đến khi bà khẽ đập vào vai mới lồm cồm bò dậy theo phản xạ, mắt vẫn nhắm tịt, bám tay áo cánh đẫm mồ hôi của bà lần lên nhà trên. Hôm nào cũng nghe nhắc: “Cẩn thận kẻo đá vào bơ tấm. Mai ban ngày ban mặt tãi ra xem có sạn không. Dồn cho bõ, nao bà nấu bánh đúc”.
Hàng xáo chẳng lờ lãi gì nhưng bù lại, tôi có cả một cót trấu quanh năm đầy cơi lên đến miệng để hun đống rấm mỗi ra giêng khi hoa xoan nở rắc muỗi đói xuống từng đàn, để hơ tay trước cái lò đất hồng rực, nổ lép bép hong hai má nẻ suốt mùa đông. Sau này có mẹ tôi đỡ đần xay giã, chái nhà ngang xuất hiện thêm một cái cối đá xanh nặng như cùm, chuyên xay bột làm bánh đúc - những tấm bánh đi cùng tôi suốt những năm tháng có bà. Quán nhỏ dưới gốc đa mở từ bốn, năm giờ sáng, tôi nhũng nhẵng bám theo, thích tự tay ngả cái chõng tre, bày một góc những rế bánh tròn hay xếp gọn góc sàng những miếng bánh đúc hột cắt hình thoi. Và tùy mùa còn có cả bánh đúc chay ăn với riêu cua hay rạm rang lá chanh thơm sực. Người đi làm, đi chợ sớm rẽ qua, cái quán nhỏ nhộn nhịp từ mờ đất.
Nhưng không phải hôm nào tôi cũng được đi theo như thế.
Ấy là quãng ngoài mùng tháng bảy. Những ngày ấy bà và mẹ tôi thường thức thâu đêm. Nấu cả bánh đúc chay và mặn. Mỗi loại nhiều thêm một ít. Giã đầy cối muối vừng. Rót sát đến miệng chai tương. Rồi lặng lẽ gồng gánh, dọn hàng từ nửa đêm chưa về sáng, nhất quyết đuổi tôi về mặc cho tôi khóc đòi theo. Đứng ở chái nhà ngang ngóng qua cánh đồng đêm đùng đục trăng suông, chỉ thấy dưới bóng đa sẫm xịt vàng đục một đốm đèn dầu và nghe tiếng chó tru từng hồi quẩn trong sương lạnh.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi
Cứ như thế đến năm tôi mười ba tuổi.
Quãng ấy, mẹ tôi phải cảm, nằm bẹp trên giường, bà lui cui quấy bánh dưới bếp, tôi hì hục ngoài hè giã mẻ muối vừng, múc tương từ chum ra ang sành: “Năm nay con đi với bà!”.
Tôi xách cây đèn bão, cầm tay quang treo đựng liễn tương dẫn lối. Hai bà cháu thập thõm bước trên con đường mòn đầm sương lạnh. Qua Miếu Ông, bà dừng lại thắp một nén hương, dâng đĩa bánh đúc chay. Tiếng chó bắt đầu sủa lan về tận cuối làng. Đến quán, chờ tôi nhấc bó rào dấp cửa, bà hạ gánh nói bâng quơ: “Hàng chưa mở. Có ai ăn thì chịu khó chờ bà cháu tôi một lát!”. Rồi cầm thẻ hương, đỡ tấm bánh đúc lạc ủ sẵn trong lá chuối, bưng hũ tương con với bọc muối vừng: “Sang Miếu Bà đi con!”.
Quãng đường sang Miếu Bà chừng hai cây số xuyên đồng hun hút gió, mờ mịt sương quẩn chân trong lời kể của bà về một đôi trai gái yêu nhau. Bởi người con trai nhà nghèo nên gia đình bên kia cấm cản. Trốn đi nhưng chẳng thành, người con trai bị đánh chết, cô gái, lúc ấy đương có mang, cũng tự tử chết theo. Người nhà chôn họ ở hai đầu làng, rồi trồng một cây đa ngăn tầm mắt. Tưởng rằng thế là hết chuyện, là khỏi nghĩ về nhau.
Bẵng đi hồi lâu, đủ để mọi người nguôi ngoai chuyện cũ, thì một đêm, bà đỡ cuối làng nghe gọi cửa. Mắt nhắm mắt mở trong cơn ngái ngủ, bà theo chân người dẫn đến cửa một nhà giàu, mái ngói tường gạch, đèn đuốc sáng choang, kẻ ra người vào nhốn nháo vì phu nhân đang giở dạ. Người phụ nữ sinh khó. Vật vã mãi đến gần sáng, nhưng may cũng mẹ tròn con vuông. Hai vợ chồng ôm con, nhìn bà rơi nước mắt. Rồi được mời cơm. Toàn món chay nguội và thiếu vị. Nghe bà phàn nàn đĩa rau muống xào giá có thêm ráu tỏi, người chồng cười, bảo vội quá, xin thông cảm cho. Rồi mệt, thiếp đi, sáng lạnh tỉnh dậy, thấy mình nằm trên đống, tận làng bên, gối đầu lên mộ người con gái ấy, tay vẫn cầm cái vòng ngọc cô tặng trả ơn mới biết mình vừa đỡ đẻ cho người đã chết. Sau này dân hai làng xây Miếu Ông, Miếu Bà, đắp một con đường nối hai ngôi miếu. Tuy vẫn xa như thế nhưng giờ nhìn thấy nhau.
“Thế họ có về đoàn tụ được không bà?”
“Họ là một gia đình mà con! Bà gặp họ rồi!”
***
“Ấy là một đêm trước ngày rằm tháng Giêng. Quán của bà vừa mở đã thấy một đôi vợ chồng trẻ, không phải người làng, bế đứa con rúc rích tiến vào. Người vợ xinh đẹp lắm, gọi hai tấm bánh đúc lạc, khen tương ngọt rồi bảo con thích ăn bánh đúc chấm muối vừng, bao giờ bà làm thêm nhé. Người chồng ôm con, nhìn vợ ăn, thỉnh thoảng bẻ miếng bánh chay nhấm nháp. Trộm vía, thằng bé trên tay đẹp như tranh ấy. Bà chạm vào má nó, mát như kem. Rồi gửi tiền, chào bà xong lại ríu rít kéo nhau đi hút vào trăng lạnh. Sáng về thấy trong túi lẫn tiền âm, bà nghĩ ngay đến chuyện về hai ngôi miếu ấy. Con có sợ không?”. “Con cũng mong gặp họ. Họ cũng giống như mình. Có khác gì đâu!”. “Con có biết vì sao ngoài mùng tháng bảy năm nào bà cũng đi bán hàng đêm? Vì tháng bảy là tháng cô hồn, mở cửa ngục xá tội vong nhân. Cõi âm cũng nhiều người đói khát, lang thang. Bán hàng phải có duyên mới gặp. Mời họ ăn một bữa, nuôi phúc đức về sau. Có người bảo bà phải đặt một chậu nước, ai trả tiền thì thả vào đấy. Âm nổi, dương chìm. Nhưng bà không làm thế. Cả năm mới có một lần, còn phải đầy đặn hơn ấy chứ. Trần sao, âm vậy, phải sống có tình...”.
Tôi theo bà được hai mùa cô hồn như thế. Rồi bà ra đi, sau khi bán hết hàng, ngả lưng lên mặt bục đất đắp làm ghế ngồi: “Bà chợp mắt. Con trông hàng chờ sáng. Ai hỏi mà không quen mặt thì bảo cho bà con khất sang năm!”.
Bà thanh thản thế nên tôi không khóc, nhưng từ ấy, hàng đêm đều đứng ở chái nhà ngang nhìn qua cánh đồng ra quán nhỏ. Nhớ có lần bà gọi tôi dậy, chỉ cho xem hai khối sáng da cam bằng cỡ chiếc nồi bộng, bay lượn dập dìu bên nhau trên đường. Bà bảo thần Miếu Ông sang thăm thần Miếu Bà đấy, cái đốm xanh lượn bên trên là Cậu Nhỏ, vui chưa...
Tiếng cối đá xanh xay bột vẫn rì rầm kể chuyện qua đêm. Quán nhỏ dưới gốc đa vẫn mở hàng từ bốn, năm giờ sáng. Và ngoài mùng tháng bảy nào tôi và mẹ cũng chờ một lần nghe tiếng gọi, ngẩng lên, sẽ thấy bà dắt theo đôi vợ chồng trẻ bế đứa con rúc rích tiến vào: “Cho bà rế bánh đúc lạc. Để xem mẹ mày nấu có ngon không?”
Tổng hợp nhiều nguồn
Người phụ nữ sinh khó. Vật vã mãi đến gần sáng, nhưng may cũng mẹ tròn con vuông. Hai vợ chồng ôm con, nhìn bà rơi nước mắt. Rồi được mời cơm. Toàn món chay nguội và thiế...
Hoa hậu Việt Nam 1992 Hà Kiều Anh vừa thực hiện bộ ảnh đặc biệt trong khung cảnh hùng vĩ của quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.
Câu danh ngôn này là một bài học sâu sắc về thái độ sống. Swindoll muốn chúng ta hiểu rằng, phần lớn cuộc sống của chúng ta được định hình bởi cách chúng ta phản ứng với ...
Trước thềm bán kết, ban tổ chức Miss Charm 2024 tung ảnh bikini của dàn thí sinh. Loạt mỹ nhân quốc tế đeo cánh thiên thần, diện thiết kế hai mảnh khoe đường cong bốc lửa...
Mỗi ngày 1 lời chúc
Phan Như Thảo nói ông xã - doanh nhân Đức An chưa từng ghen tuông, sẵn sàng làm hậu phương, ủng hộ vợ phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng.