Bạn đường

23/11/2024 20:00
Tôi chợt thấy lòng se se buồn, nỗi buồn như biết một cái gì đó rất đẹp đẽ đang đi qua cuộc đời của mình.

Nỗi buồn cùng với tốc độ con tàu đẩy tôi tới gần cái giờ phút chia tay với Chi, người bạn đường bé nhỏ, hoàn toàn tình cờ, nhưng đã làm tôi choáng ngợp ngay từ những giây phút đầu tiên. Trong cuộc đời, có những người mà chỉ được sống gần họ ta cũng đã cảm thấy chứa đựng biết bao hạnh phúc. Đối với tôi. Chi là một con người như thế.

Mỗi lần cầm trong tay mình một tấm vé đi tàu liên vận, tôi đều gặp cái tâm trạng vừa háo hức, vừa e ngại không biết người bạn đường ngồi bên cạnh mình sẽ là ai. Nếu gặp được một người tốt, con đường dường như ngắn lại và nỗi mệt nhọc của mấy ngày đêm thức trắng trên tàu như cũng được giảm bớt. Còn nếu như gặp phải người không biết điều thì sẽ không khác gì một sự tra tấn kéo dài nặng nề. Tôi đã đi tàu xe đường dài nhiều lần, đã gặp không ít những người tốt và cũng đã gặp không ít những kẻ xấu. Nhiều chuyến đi trở về, tôi có thêm những người bạn thân thiết. Nhưng cũng có chuyến đi cho mãi về sau, tôi vẫn có cảm giác mình đánh mất một thứ gì đó.

Trong tâm trạng ấy, vào đợt đi công tác lên các tỉnh cao nguyên miền Trung lần này, tôi vừa ngồi vào số ghế của mình, vừa dè dặt nhìn những người khác ngồi đối diện. Đó là một cặp vợ chồng trẻ và một cháu trai ba tuổi. Họ vừa bối rối thu xếp chỗ ngồi vừa trông chừng đứa bé đang nhoài người ra cửa sổ toa tàu hò hét ầm ĩ. Người chồng thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn tôi mỉm cười, như để xin lỗi về sự lục đục của mình và về sự ồn ào của đứa con.

- Vợ chồng em chuyển hẳn vào trong Đà Lạt nên hơi nhiều đồ đạc lặt vặt, bác thông cảm cho. - Người vợ nói, đôi mắt lộ rõ vẻ băn khoăn.

Tôi bảo họ cứ thu xếp cho thật gọn, nhưng nhớ dành chỗ cho một người nữa vì chiếc ghế bên cạnh tôi vẫn để trống.


Tranh của họa sĩ Trần Thắng

Sau những lộn xộn và bụi bặm ban đầu, toa tàu bắt đầu ổn định. Hành khách đôi người đã làm quen với nhau, hỏi thăm quê quán, công việc, mời nhau hút thuốc. Nhiều người tựa lưng vào ghế, nhắm mắt lại, mệt mỏi. Còn mười phút nữa tàu sẽ chuyển bánh, trong khi ấy, nửa ghế bên cạnh tôi vẫn chưa ai tới ngồi. Tôi bỗng nóng ruột lo cho sự chậm trễ của người bạn đường nào đó sẽ ngồi cạnh tôi.

- Thưa chú, đây có phải là số ghế 42 không ạ? - Vào phút chót, trước khi đoàn tàu khởi hành, một giọng nói khẽ khàng vang lên từ phía sau lưng tôi.

Tôi quay lại. Một cô gái khoảng hăm ba, hăm bốn tuổi, mặc áo sơ mi màu xanh và chiếc quần zin màu xanh bó sát lấy một thân thể khỏe mạnh đang chăm chú nhìn tôi. Thoạt đầu tôi hơi choáng ngợp trước vẻ đẹp của cô gái. Có lẽ trên khuôn mặt cô chỉ có cặp môi là hơi tối một chút, còn tất cả sáng bừng lên. Vầng trán, sống mũi, đôi gò má và đôi mắt đều toát ra một vẻ đẹp giản dị. Không hiểu sao tôi trở nên luống cuống khi giúp cô gái xếp chiếc túi da lên giàn và dịch chỗ cho cô ngồi. Ngoài chiếc túi xách nhỏ, cô gái không mang theo thứ đồ đạc nào khác.

- Chú đổi cho cháu được không ạ? Cháu đi tàu lần đầu nên thích ngồi cạnh cửa sổ để nhìn - Một lát sau, khi đã thu xếp xong, cô gái ngập ngừng đề nghị.

Dĩ nhiên tôi không thể từ chối. Từ lúc đó, cô không ngớt quay nhìn ra bên ngoài, đôi mắt bồn chồn như tìm kiếm một người nào đó trong số những người đi đưa tiễn đứng chật trên sân ga. Khi đoàn tàu chuyển bánh, tôi thấy cô vội quay mặt lại, ngồi thụt vào phía trong như để tránh những cái nắm tay, vẫy tay, những lời từ biệt có lẫn nước mắt không phải dành cho cô. Đôi môi cô mím lại với một vẻ mặt cương quyết và dứt khoát. Nhưng đến khi tàu rời sân ga một quãng xa, khuôn mặt cô bỗng mềm đi, cặp môi hé mở run run. Cô lại quay mặt hẳn ra ngoài cửa sổ con tàu. Bên ngoài, ánh điện của thành phố cứ lùi xa dần xa dần... Tuy không nhìn thấy gương mặt cô gái lúc đó, nhưng tôi vẫn cảm giác có những giọt nước mắt đang lăn trên hai gò má sáng hồng hào của cô.

***

Nửa đêm, tôi chợt thức sau một giấc ngủ ngắn chập chờn, cực nhọc. Bên cạnh tôi, người bạn đường vẫn ngồi ở tư thế cũ, mặt quay ra phía cửa sổ. Vai cô được khoác thêm một chiếc áo choàng mỏng.

Chừng nghe tiếng động, cô quay lại ngượng nghịu chìa một chiếc hộp tròn nhỏ, đã mở nắp sẵn về phía tôi:

- Anh ăn vài viên kẹo cà phê cho tỉnh ngủ - Cô nói.

Tôi nhìn cô, cảm ơn rồi khẽ nhón lấy một viên. Lúc đó, trên khuôn mặt sáng hồng của cô không tìm thấy một nét ưu tư phiền muộn nào nữa mà chỉ còn lại một gương mặt thật sáng, thật tươi trẻ. Tôi tỉnh ngủ rất nhanh, có lẽ không phải nhờ mấy viên kẹo cà phê vừa đắng vừa ngọt của cô, mà vì một lẽ gì đấy không hiểu được nhưng cứ làm tôi xao xuyến mãi.

- Này, Chi trông tôi già lắm phải không? - Buổi sáng ngày hôm sau, khi đã quen nhau rồi, tôi hỏi.

- Trời tối trông anh già phát khiếp lên được! - Cô gái cười. - Tàu đang qua vùng nào thế hả anh?

- Quỳnh Lưu, vài giờ nữa sẽ tới Vinh! - Tôi đáp.

- Thế còn Hàm Rồng? - Cô gái hoảng hốt như vừa bỏ quên một cái gì đó.

- Qua lúc hai giờ sáng. Lúc ấy Chi ngủ nên tôi không gọi.

- Tiếc quá! Vậy mà hồi còn là học sinh em cứ mơ ước được đi qua chiếc cầu ấy. Thôi để vòng ra vậy.

Khi tôi nói rằng, bây giờ đi qua cầu Hàm Rồng không ít người đã quên, chính ở cây cầu ấy, hơn mười năm trước đây đã xảy ra những trận đánh dữ dội và có không biết bao nhiêu máu của các chiến sĩ cao xạ dân quân, thợ cầu đã đổ xuống, khuôn mặt Chi trở nên đăm chiêu. Từ lúc đó, cô không nói thêm gì với tôi nữa.

Suốt ngày hôm ấy, Chi luôn háo hức nhìn ra ngoài toa tàu. Nhiều khi như sợ mình chưa thấy được hết, được nhiều, cô rời chỗ ngồi ra đứng ở đầu toa. Đôi lúc tôi bắt gặp Chi đứng hát. Những lúc ấy trông Chi thật đẹp. Gió thổi làm mái tóc ngắn của cô bay lật về phía sau. Lồng ngực trẻ trung phập phồng vì hồi hộp.

- Anh ạ, bây giờ người ta sống thế nào ấy! Em nhớ những năm chiến tranh phá loại, người ta sống khác cơ. Thế mà hồi đó em mới mười lăm tuổi. - Buổi tối khi không còn nhìn được gì khác ngoài vòm trời tối đen cuồn cuộn chuyển động ngoài toa tàu, Chi nói với tôi.

- Khác là thế nào? - Tôi hỏi.

- Ví dụ những ngày đó người ta làm dễ thì bây giờ làm khó và ngược lại chẳng hạn - Chi đáp.

Ở chiếc ghế đối diện, người chồng đang thiu thiu ngủ, chợt mở mắt. Thì ra từ nãy đến giờ anh không ngủ mà vẫn lặng lẽ nghe câu chuyện của chúng tôi.

- Ở cơ quan tôi có một anh chàng rất lạ. - Một lát sau, anh mỉm cười góp chuyện - Anh ta ở chiến trường về và cứ giữ nguyên cách sống của một thời mà anh ta đã sống. Sân cơ quan tôi có một cái ổ gà lớn. Hằng ngày, mọi người đều đi qua cái ổ gà ấy nhưng không ai để ý đến. Trời mưa, nước đọng lại ở đó rất bẩn. Nhiều lần anh ta đề nghị cơ quan sửa lại nhưng không được chấp nhận. Thế là vào một ngày nghỉ, anh ta lẳng lặng mang cuốc, xẻng đến hì hục san lấp. Hôm khác thấy nhà kho dột, anh mang ngói đến giặm lại. Những việc làm trên không những không được khen mà còn bị mọi người mang ra đàm tiếu, chế giễu.

- Mỗi thời có một cách sống! - Tôi nói.

- Nhưng chẳng lẽ mọi cái đều thay đổi hả anh? - Chi hỏi tôi.

- Không phải. - Tôi đáp - Những giá trị thì vẫn giữ nguyên nhưng cách sống thì phải thay đổi cho thích hợp. Ví dụ...

Chi im lặng. Cô không nói nhưng tôi thấy rõ cô chưa hoàn toàn đồng ý với tôi. Đôi mày cong dưới vầng trán thông minh của cô hơi nhíu lại. Hồi sáng, lúc tàu dừng đổi đầu máy ở Vinh, tôi nhìn thấy Chi lễ mễ xách giúp hành lý của một bà cụ sáu, bảy mươi tuổi lên tàu, lớn tiếng ở phòng trực nhân viên đòi họ phải thu xếp cho bà cụ chỗ ngồi vì theo Chi, cụ đang đi vào biên giới phía Nam thăm con trai. Không ai được phép để một bà già như vậy ngồi ở đầu toa. Chi còn dọa nếu đề nghị của cô không được chấp nhận, cô sẽ làm ầm lên ở phòng trưởng tàu. Không biết vì vẻ đẹp quá quyến rũ của một cô gái hay vì giọng nói đầy sức thuyết phục của cô, mà chỉ dăm phút sau, bà cụ đã có một chỗ ngồi đàng hoàng ở giữa toa. Tôi rất ngạc nhiên trước một cô gái ăn diện như Chi lại có một cử chỉ rất khác thường như vậy.

- Em không thích sống như anh gì ở cơ quan của anh. Một người, tát bể làm sao nổi? - Lát sau, Chi nói - Nhưng em cũng không thích sống như người ta vẫn đang sống. Chen chúc, ích kỷ. Em thấy sao họ thay đổi nhanh thế! Như ba em chẳng hạn, ông cụ là chiến sĩ Điện Biên. Hồi chiến tranh, có hai người con trai, cụ không cho đi học ở nước ngoài mặc dù cả hai đều có giấy gọi, mà yêu cầu các anh ấy nhập ngũ. Vậy mà bây giờ học xong, cụ dứt khoát bắt em ở Hà Nội, làm gì cũng được. Em học cầu cống mà ba em xin cho em vào làm việc ở một công ty thực phẩm, nơi bạn ba em làm giám đốc. Em nhất định không chịu. Thế chẳng hóa ra em học năm năm ở trường đại học chỉ để lấy một tấm bằng thôi ư? Em nói với ba em cứ cho em đi xa dăm ba năm, em còn trẻ, sau này cụ xin cho em về lại Hà Nội cũng được. Nhưng nói thế nào, thuyết phục thế nào, ba em cũng không chịu. Em chạy đến anh trai em, hy vọng anh ấy sẽ bênh vực. Nhưng rốt cuộc, anh ấy cũng khuyên em nên ở Hà Nội. Sau giải phóng, anh ấy chuyển ngành về làm trưởng phòng ở một nhà máy. Em với anh ấy tranh cãi một buổi sáng. Cuối cùng, anh ấy đuổi em ra khỏi nhà. Tính anh ấy nóng như lửa. Anh ấy bảo bây giờ không còn ai hâm như em nữa. Em bảo sao ngày xưa anh hăng hái như vậy, bây giờ lại xịt như vậy. Anh ấy bảo ngày xưa khác, bây giờ khác. Vả lại, nếu không vì ông cụ anh ấy đã đi học ở nước ngoài rồi!

Chi dừng lại, đôi cánh mũi phập phồng, lấm tấm những giọt mồ hôi nhỏ như vừa trải qua một cuộc tranh cãi gay gắt với người anh trai của cô.

- Theo tôi, cô nên nghe lời ông cụ. - Người khách ngồi đối diện với Chi nói - Bây giờ lo được một chỗ làm ở Hà Nội không đơn giản chút nào. Hiếm gì kỹ sư, bác sĩ đi Tây về bỏ nghề chỉ để được sống ở Hà Nội. Tôi đoán nhà cô chỉ mình cô là gái.

- Vâng. Nhưng em lại nghĩ khác! - Chi đáp.

- Thế nếu không ở Hà Nội thì Chi định xin đi đâu? - Tôi hỏi.

- Tùy phòng tổ chức nhà trường, anh ạ! Em đi đâu cũng được. Em làm kỹ sư cầu đường thì phải để em xây cầu, làm đường, chứ không thể bắt em làm việc khác. Em cần được làm việc chứ không chỉ cần một nơi làm việc!

Tôi và người khách ngồi đối diện nhìn nhau, cả hai đều hiểu không dễ gì có thể bẻ gãy được những lý lẽ đã trở thành một quan niệm sống của cô gái.

***

Con tàu vẫn ầm ầm lao đi trên đường ray. Người bạn đường ngồi bên cạnh tôi vẫn háo hức nhìn ra bên ngoài, đôi khi cô reo to, hồn nhiên như một cô bé mười bốn, mười lăm tuổi.

Ban ngày, lô ghế của chúng tôi trở nên hết sức chật chội bởi các chàng trai bộ đội có, sinh viên có, tìm đến ngồi xung quanh cô gái tán đủ các thứ chuyện. Anh chàng nào cũng cố gắng tìm cách lọt được vào cặp mắt tinh nghịch luôn ánh lên một thứ ánh sáng giễu cợt thân ái của cô. Chỉ ban đêm tôi mới được thoải mái đôi chút, đúng hơn, tôi mới cảm thấy dễ chịu bởi người bạn đường của tôi không còn bị các chàng trai trẻ đẹp săn đón, tán tỉnh nữa.

- Con trai các anh đều giống nhau ở sự ích kỷ. - Buổi tối, khi ở xung quanh: trên ghế, dưới sàn toa và dọc theo lối đi, mọi người đều đã lăn ra ngủ, Chi nói với tôi - Ngày trước, em có một anh bạn học cùng lớp rất thân. - Đột nhiên Chi kể - Dạo đó, gia đình em sơ tán về Chương Mỹ. Trường của em nằm dưới chân đồi, nhà bạn ấy ở trên sườn đồi. Bây giờ em vẫn không quên được vùng đồi tuyệt đẹp ấy. Khi đã thân quý nhau, bạn ấy không thích cho ai thân với em nữa, kể cả các bạn gái. Chính vì thế mà em với bạn ấy giận nhau luôn, có lần tới hàng tháng. Lên lớp mười, bạn ấy ít bộc lộ sự ích kỷ của mình hơn, nhưng vẫn không giấu được. Càng học lên, chúng em càng thân nhau, hầu như ngày nào không gặp nhau là lại thấy thiếu, thấy vắng. Hôm máy bay Mỹ ném bom xuống trường, bạn ấy đã lao vào lửa lôi em ra, lúc ấy đã mềm nhũn như lôi một chiếc bao tải rách trước khi một loạt bom khác lại giội xuống. Sau đó, chúng em tiếp tục học dưới hầm cho tới ngày tốt nghiệp: bạn ấy đi bộ đội, còn em trúng tuyển vào đại học. Buổi chiều bạn ấy đi, em đã trốn tàu theo tiễn bạn ấy đến tận ga Nam Định. Năm 1974, nghĩa là một năm sau nhập ngũ, bạn ấy hy sinh ở Bình Định. Có người ở đơn vị bạn ấy về nói hẳn hoi mà mẹ bạn ấy nhất định không chịu tin. Khi có giấy báo tử rồi cũng thế. Đến mức, chị bạn ấy đành phải bịa ra chuyện có gặp một người khác cũng cùng đơn vị với bạn ấy. Người ấy nói cuối năm 1974 vẫn còn gặp bạn ấy đi cõng gạo, trong khi giấy báo tử lại ghi ngày bạn ấy hy sinh vào đầu năm 1974. Tin ấy làm bà cụ như khỏe hẳn ra. Cụ lại hăm hở chuẩn bị mọi thứ để chờ ngày bạn ấy về và còn dự tính cả chuyện hỏi vợ cho bạn ấy nữa. Đến năm 1975, giải phóng đã ba, bốn tháng mà vẫn không thấy bạn ấy về, chị bạn ấy lại phải dựng chuyện bạn ấy đã đi chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Lần này hình như bà cụ đã biết. Cụ không khóc nhưng mái tóc bỗng nhiên xổ bạc từng mảng, đôi mắt cứ mờ dần, một thời gian sau thì mờ hẳn... Ban sáng, em nói với anh đi thăm bà dì ở Nha Trang, kỳ thực em còn vào Hoài Nhơn thăm mộ bạn ấy nữa, trước khi em quyết định đi nhận công tác xa. Em biết quyết định này sẽ làm ba em nổi giận, thậm chí dẫn đến việc từ em. Nhưng em không thể chấp nhận sống theo ý muốn của cụ. Hôm trước, lúc ở ga, em chỉ mong ba em nghĩ lại, ra tiễn em. Đã hai tuần cụ không nói gì với em. Điều đó đối với em là một hình phạt rất nặng. Em rất thương ba em. Nếu cụ ra, có khi em sẽ chiều theo ý cụ ở lại Hà Nội cũng nên. Nhưng thật buồn, và cũng thật may cho em. Không có ai ra ga tiễn em cả...

Chi dừng lại, đôi hàng mi dài và cong chớp chớp lại cánh mũi nằng nặng. Tôi bỗng cảm thấy thèm muốn được như người chiến sĩ nào đó đã lặng lẽ nằm xuống dưới mặt đất của chiến trường cũ, đang được một cô gái đẹp như vậy, giàu tình cảm và cương nghị như vậy, nhớ đến và thương yêu. Tuy Chi không nói nhưng tôi đã biết Chi yêu người chiến sĩ ấy. Tình yêu càng về sau càng sâu nặng và bây giờ cô đang đến với anh như tìm đến với một sự đồng tình, một chỗ dựa. Chi đã không dựa được vào người sống, cô phải dựa vào người đã chết. Tôi chợt thấy lòng se se buồn, nỗi buồn như biết một cái gì đó rất đẹp đẽ đang đi qua cuộc đời của mình. Nỗi buồn cùng với tốc độ con tàu đẩy tôi tới gần cái giờ phút chia tay với Chi, người bạn đường bé nhỏ, hoàn toàn tình cờ, nhưng đã làm tôi choáng ngợp ngay từ những giây phút đầu tiên. Trong cuộc đời, có những người mà chỉ được sống gần họ ta cũng đã cảm thấy chứa đựng biết bao hạnh phúc. Đối với tôi. Chi là một con người như thế. Suốt trong khoảng thời gian hiếm hoi còn lại trên con tàu, Chi không nói gì thêm với tôi. Cô bị thiên nhiên, những khung cảnh mới lạ của đất nước cuốn hút. Có thể nhiều lúc cô đã quên sự có mặt của tôi, nhưng đối với tôi, không một giây phút nào tôi không hướng về cô. Đêm ngày thứ hai, tàu đến một ga xép thì đột nhiên dừng lại. Thông thường tàu nhanh không dừng ở ga này. Từ đầu toa, tôi thấy Chi chạy lao về phía tôi:

- Anh lấy giùm em cái túi. Em xuống ở đây!

- Sao Chi bảo vào tới Quy Nhơn mới quay trở ra kia mà? - Tôi hỏi, không giấu được vẻ thảng thốt.

- Xuống ở đây tiện hơn. Trước em tưởng tàu không dừng ở ga này. Từ đây đến chỗ bạn ấy em phải đi một ngày đường nữa. Ở Hoài Châu bạn ấy có một người mẹ nuôi, em sẽ nhờ cụ dẫn đường đến chỗ bạn ấy.

- Nhưng trời tối thế này?

- Em sẽ nghỉ lại ở ga. Em đi nhé! Về Hà Nội nhớ đến nhà em chơi...

Tôi chỉ kịp đưa Chi ra đến cửa toa tàu thì con tàu đã chuyển bánh. Trong bóng đêm, tôi thấy Chi hấp tấp nhảy lùi lại, ngã xô vào đống đá, nhưng cô vùng dậy ngay, đưa tay lên vẫy. Bóng của Chi nhòe dần. Tôi cảm thấy trống trếnh, buồn bã. Rất lâu tôi mới trở lại chỗ ngồi. Tôi lo cho Chi. Không biết có điều gì không may sẽ xảy ra với Chi ở cái ga xép hoang vắng ấy hay không?

***

Sau chuyến đi với những nỗi buồn nhớ mơ hồ và dai dẳng ấy, tôi trở về Hà Nội, tiếp tục sống một cuộc sống buồn tẻ với người vợ của tôi. Cũng cần nói thêm rằng, tôi là một người lính nhập ngũ năm 1968, đã từng mở đường Trường Sơn và tham gia một trong những trận đánh lớn nhất ở cửa ngõ Sài Gòn. Năm 1975, tôi được gửi đi học ngành báo chí và mới về nhận công tác ở một tờ báo cách đây vài năm. Sau khi ra trường, tôi xây dựng gia đình với một cô gái làm việc ở cơ quan ngoại thương. Có thể nói, trước ngày cưới chúng tôi chưa hề có tình yêu. Vợ tôi là một người đơn giản trong tình cảm, còn tôi lúc ấy do hoàn cảnh, rất cần xây dựng gia đình. Một người bạn của vợ tôi đã giới thiệu chúng tôi làm quen với nhau, và chỉ nửa năm sau, chúng tôi thành vợ chồng. Cơ quan vợ tôi thu xếp cho chúng tôi một gian nhà nhỏ và chúng tôi tạm sống ở đó.

Nhìn bề ngoài dễ lầm tưởng vợ chồng tôi sống hạnh phúc, kỳ thực giữa hai chúng tôi là một khoảng cách lớn. Ở với nhau được vài tháng, tôi mới hay rằng vợ tôi ngoài thời gian làm việc ở cơ quan còn chịu khó “chạy” ngoài rất nhiều. Hầu như rất ít buổi tối vợ tôi có mặt ở nhà. Nhiều hôm, tôi nấu cơm rồi ngồi đợi cho đến lúc nồi cơm đã lạnh tanh, vợ tôi mới dắt xe về. Bởi là những tháng đầu tiên tôi chưa can thiệp vào công việc của vợ tôi. Đôi lần tôi ướm thử thì cô lấy một ngón tay dí nhẹ lên trán tôi:

- Không chịu khó chạy thì bữa ăn chỉ có rau thôi, cưng ạ! Anh cứ yên tâm, em không làm ăn phi pháp đâu. Bây giờ không có ai chỉ sống bằng đồng lương của mình cả!

Tôi sợ nhất những chuyến đi công tác về các tỉnh phía Nam. Vừa thu xếp hàng cho tôi mang vào, vợ tôi vừa dặn cặn kẽ chỗ “đổ”, rồi dặn những thứ hàng mua ra. Dĩ nhiên tôi không thể làm vừa lòng vợ tôi, và thế là những trục trặc nhỏ đã xuất hiện ngay từ những chuyến đi đầu tiên... Chuyến đi lên cao nguyên mới đây cũng vậy. Khi vợ tôi xếp vào túi tôi một vài gói thuốc gì đó, khẩn khoản bảo tôi chỉ đến đưa cho bà chị vợ tôi ở Buôn Ma Thuột mà không phải nói một lời nào, tôi cũng dứt khoát từ chối. Kết quả, buổi tối hôm đó vợ tôi bỏ mặc tôi khoác ba lô ra ga với chiếc bụng lép kẹp nhưng khi vào tới nơi, tôi lại nhận được một bức điện nội dung rất ngớ ngẩn: “Tha lỗi cho em. Mong anh trở về sớm”.

Càng ngày tôi càng nhận thấy mình đã chọn lầm nhưng không thể thay đổi được nữa. Tôi đành cố gắng kiềm chế, cố gắng nín nhịn. Nhưng càng kiềm chế càng nín nhịn những bực bội trong người tôi cứ chực bùng ra. Chính vì vậy nên khi gặp Chi, tôi lập tức bị cuốn hút, bị chinh phục. Hình như ở Chi có những gì mà tôi đang bị thiếu, đang tìm kiếm. Lúc nào hình ảnh Chi cũng hiện lên trước mắt tôi: vầng trán thông minh, trong trẻo, dáng người cân đối... Tôi rất nhớ vẻ mặt ái ngại của Chi khi nghe tôi kể về sự bối rối của tôi trong quan hệ với vợ. “Anh nên kiên trì thuyết phục chị ấy dừng ở cái giới hạn cần dừng lại”, Chi bảo tôi, “Nhưng anh cũng đừng quá cứng nhắc với chị ấy. Em biết, nếu chỉ dựa vào đồng lương thì thật không ổn nếu anh sống ở thành phố”. Có lẽ những người Chi ghét nhất trên tàu là những người buôn bán gian lậu. Một lần, tàu đang chạy qua nam Quảng Ngãi thì một thiếu phụ chừng bốn mươi tuổi ăn vận diêm dúa từ đầu toa chạy xô lại phía tôi và Chi vội vã ấn vào chân chúng tôi một gói hàng gì đó khẩn khoản nhờ chúng tôi coi hộ. Tôi còn đang chưa biết xử lý thế nào thì Chi đã đứng dậy, khuôn mặt đỏ ửng: “Bà nên mang gửi ở chỗ khác. Nếu không, tôi sẽ báo nhân viên thu thuế”. Lúc người đàn bà đã ôm bọc hàng sang một lô ghế khác, Chi thở dài, bảo tôi: “Anh đừng thương hại họ. Hồi trường em đi tham gia đánh thuế công thương nghiệp, em rất biết họ. Chỉ lát nữa, xuống ga anh hãy mua hàng của họ mà xem, đừng hy vọng họ sẽ bán rẻ dù rằng anh vừa cứu giúp họ”. Tuy nói vậy, nhưng tôi vẫn nhận thấy sự áy náy trong giọng nói của Chi và mãi đến buổi tối hôm ấy, cô vẫn cố khẳng định với tôi: cô xử lý như vậy là không có gì phải ân hận cả!

Vào một buổi chiều, sau bao nhiêu phân vân, đắn đo, không cưỡng lại được một ý muốn quá mạnh mẽ, tôi tìm đến nhà Chi. Những câu hỏi về cô luôn cắn rứt tôi. Tôi muốn biết Chi đang ở đâu, liệu đến giờ phút chót Chi có chịu chấp nhận những đòi hỏi của ba cô hay không? Một cô gái chưa từng bước vào đời, đã dám chống lại quan niệm sống của cha, anh mình, những người đã có bề dày của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; liệu cô gái ấy có đứng vững được hay không? Tôi lo Chi sẽ bị bẻ gãy vì cô rất thương yêu ba cô và ẩn náu sau cái vẻ cứng rắn, cương quyết đôi khi đến cực đoan của cô, vẫn là một sự mềm yếu không những chỉ của tình cảm mà còn của lý trí nữa.

Loanh quanh vài vòng dọc một đường phố lớn, tôi đã tìm thấy nhà Chi. Đó là một tòa biệt thự cũ với những bức tường dày và những ống khói lò sưởi trên mái ngói. Sân nhà có nhiều chậu cảnh được chăm chút, xén tỉa chu đáo. Tôi gõ cửa. Có tiếng dép lê nặng nề trên nền nhà, rồi một người đàn ông trạc ngoài sáu mươi, ló mặt qua khe cửa. Tôi nói lý do đến thăm, lập tức bị cuốn ngay vào phòng khách. Người đàn ông có vầng trán cao, đầy nếp nhăn, khuôn mặt hơi xị hồng hào. Ông mời tôi ngồi nhưng không nhớ rót nước tiếp tôi mà nói ngay, như đang bị dồn nén và muốn có người, bất kể là ai, để trút ra cho nhẹ lòng:

- Cháu hỏi con Chi hả? Nó đi rồi, nó đi Tây Bắc rồi! Cháu tính, nhà cửa bác có thể đủ chỗ ở cho cả chồng con nó sau này. Bác phải vất vả lắm mới xin cho nó ở Hà Nội. Dù không trúng nghề, nhưng cứ tạm cái đã, sau bác sẽ lo tiếp. Vậy mà nó vẫn một mực bỏ đi. Nó bỏ mẹ nó đang còn nằm ở bệnh viện, bỏ bác. Buổi tối hôm đó, nó đi đâu về rất khuya. Bác ngồi đây, anh nó ngồi đây. Nó cũng ngồi xuống bên cạnh chỗ cháu ngồi đó, rồi biểu: “Ba ạ, ngày mai con đi Tây Bắc”. Đoạn nó đưa cho bác một tờ giấy chi đó. Thế là bác làm ầm lên. Bác mắng nó, chửi nó. Nó ngồi yên chịu trận, rồi đứng dậy, đi về buồng của nó. Bác biết suốt đêm nó không ngủ. Sớm hôm sau, nó đi để lại một mảnh giấy xin lỗi ba mẹ loang lổ nước mắt. Bác đã vội vã đạp xe ra ga tìm thì tàu đã chạy rồi. Thế là không có ai đi tiễn nó hết. Chu choa, nó ích kỷ quá chừng! Cháu có thân với nó không? Nếu thân thì giúp bác viết thư kêu nó về. Về lúc này cũng chưa muộn. Bác đã thu xếp với bên xây dựng, họ đồng ý rồi. Ở Hà Nội nó muốn gì có đó. Một mình một buồng máy nghe nhạc, xe đạp loại tốt nhất... Trời, bác còn lạ gì Tây Bắc! Mùa mưa, mùa nắng đều cực, cực lắm! Con gái như nó ngủ đường, ngủ rừng chịu sao thấu. Bác đã từng là lính đánh Điện Biên bác biết. Nó tưởng Tây Bắc bốn mùa đều là mùa của hoa ban mơ mộng mà nó vẫn thấy trong phim ảnh...

Tôi như người bước hụt, đành ngồi ngẩn ra nghe người cha đang kể tội đứa con gái yêu nhất của mình. Tôi vừa buồn, vừa mừng cho Chi. Thế là Chi đã đi đúng con đường mà ba chục năm trước ba cô và biết bao người thuộc thế hệ ông đã đi. Vậy thì cái gì đã khiến người lính già ấy ngăn cản bước chân của con gái mình? Tôi muốn nói với ông rằng: Chi không phải là một cô gái nông nổi, rằng rồi sẽ đến một lúc nào đó, ông sẽ hiểu Chi và sẽ ủng hộ quyết tâm lập nghiệp đúng đắn của cô...

Lúc đứng dậy chào ông để về, tôi có nói với ông vài ngày nữa tôi sẽ lên đường đi Tây Bắc và sau đó sẽ đến vùng lòng chảo Điện Biên. Tôi hoàn toàn không ngờ câu nói mang tính chất xã giao ấy đã làm ông xúc động, khuôn mặt ông đổi khác, bối rối. Ông nắm lấy cánh tay tôi. Bàn tay khô khan của ông hơi run run và cứ đứng như vậy ở ngưỡng cửa, ông say sưa nhắc lại với tôi năm mươi sáu ngày đêm ông và những người đồng đội của ông đã trụ bám, giữ bàn đạp dưới chân đồi A1. Cặp mắt ông lúc đó ngời lên một thứ ánh sáng mà có lẽ còn rất ít thấy ở ông.

- Chà, vậy mà đã hơn hai chục năm... Cũng có thể con Chi nhà bác... Nếu cháu có gặp nó... - Ông ngập ngừng dừng lại rồi khoát tay, khuôn mặt ông lại trở về cái trạng thái bực dọc cũ - Mà thôi, bác biết nó sẽ không chịu về đâu. Bác coi như không có nó.

Tôi hoang mang trở về, nghĩ rằng người cha ấy tự mâu thuẫn biết bao.

Một tuần lễ sau, tôi cầm giấy công lệnh lên đường đi Tây Bắc. Tôi được tòa soạn giao nhiệm vụ viết một loạt bài báo về những thế hệ sau Điện Biên đang sống và làm việc trên vùng địa bàn rộng lớn đó. Tôi hy vọng trong chuyến đi này có thể tìm gặp được Chi. Tôi khao khát gặp Chi giống như mấy tháng trước đây Chi đã khát khao tìm đến với người chiến sĩ để tìm một chỗ dựa. Xin bạn đọc đừng hiểu lầm ý muốn của tôi. Nhưng cũng thật khó nói cho minh bạch tình cảm của tôi lúc này. Chỉ biết rằng với tôi, Chi là một tiếng gọi. Chắc chắn Chi đang ở một đoạn đường nào đó trên những con đường dài dặc lên cao nguyên. Cũng có thể, Chi đang ở Điện Biên và cũng có thể, cô đang cùng với những người bạn đi khai mở những con đường mới.

Nhưng cũng có thể, trong chuyến đi này tôi sẽ không gặp được Chi. Bởi miền Tây Bắc rộng lớn có biết bao nhiêu con đường, bao nhiêu cây cầu, làm sao tôi có thể tìm gặp được người bạn đường yêu mến ấy của tôi.

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Nguyễn Trí Huân

Tin xem thêm

Mùi vị cà phê

Giải Trí
22/12/2024 06

Miếu uyên ương

Giải Trí
21/12/2024 20

Người phụ nữ sinh khó. Vật vã mãi đến gần sáng, nhưng may cũng mẹ tròn con vuông. Hai vợ chồng ôm con, nhìn bà rơi nước mắt. Rồi được mời cơm. Toàn món chay nguội và thiế...

Hoa hậu Hà Kiều Anh U50 đẹp, sang 'hiếm có khó tìm'

Giải Trí
21/12/2024 08

Hoa hậu Việt Nam 1992 Hà Kiều Anh vừa thực hiện bộ ảnh đặc biệt trong khung cảnh hùng vĩ của quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.

“Cuộc sống là 10% những gì xảy ra với bạn và 90% là cách bạn phản ứng với nó.” – Charles R. Swindoll

Giải Trí
20/12/2024 08

Câu danh ngôn này là một bài học sâu sắc về thái độ sống. Swindoll muốn chúng ta hiểu rằng, phần lớn cuộc sống của chúng ta được định hình bởi cách chúng ta phản ứng với ...

Dàn mỹ nhân Miss Charm 2024 hóa thiên thần, khoe dáng bốc lửa với bikini

Giải Trí
20/12/2024 08

Trước thềm bán kết, ban tổ chức Miss Charm 2024 tung ảnh bikini của dàn thí sinh. Loạt mỹ nhân quốc tế đeo cánh thiên thần, diện thiết kế hai mảnh khoe đường cong bốc lửa...

Phan Như Thảo dặn chồng đại gia: Nếu anh thay lòng đổi dạ sẽ gặp người tệ hơn em

Giải Trí
19/12/2024 08

Phan Như Thảo nói ông xã - doanh nhân Đức An chưa từng ghen tuông, sẵn sàng làm hậu phương, ủng hộ vợ phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng.