30 tuổi, Nguyễn Lượng đang là bếp trưởng bếp bánh cho một khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Phú Quốc, một vị trí được đánh đổi bằng nhiều mồ hôi, nước mắt sau hơn chục năm làm nghề.
Ít ai biết vị bếp trưởng trẻ tuổi này đã trải qua những năm tháng tuổi thơ nhiều cơ cực.
Sinh ra ở một miền quê nghèo nằm cạnh phá Tam Giang, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, Lượng sống trong một căn nhà nhỏ làm bằng gỗ ván cùng bố mẹ và em trai. Cứ mỗi mùa mưa bão ở Huế, nhiều căn nhà, ruộng vườn, tài sản của người dân lại thất thoát, tiêu tan.
Cậu bé Lượng đứng trước căn nhà năm xưa.
Năm 4 tuổi, Lượng thường xuyên bị ba mẹ bỏ ở nhà một mình cùng cậu em trai chưa đầy 2 tuổi. Ruộng vườn ở xa nhà, ba mẹ Lượng thường đi làm từ sáng đến tối mới về. Cậu bé 4 tuổi khi ấy không chỉ phải tự lo cho mình, mà còn phải chăm cả em trai. Nghe có vẻ khó tin nhưng hoàn cảnh buộc Lượng phải biết nấu cơm, nuôi lợn từ năm 4 tuổi.
Bây giờ khi kể lại, Lượng chỉ nói nhẹ hều: “Cũng đơn giản thôi!”. Bởi bữa cơm của anh em Lượng hầu hết là cơm trắng, rau luộc, khoai hấp. Nuôi lợn thì đổ chung các thứ vào nấu chín lên, đến bữa cho lợn ăn như lời mẹ dặn. Mọi việc đều nhẹ nhàng theo góc nhìn của anh.
Món quà vặt sang nhất mà anh em Lượng từng được ăn có lẽ là bánh bột mỳ chiên. Chắc đây là món bánh có công thức đơn giản nhất mà anh từng làm - bột mì trộn với trứng, đường, khuấy đều rồi chiên. “Chỉ thi thoảng chúng tôi mới được ăn, vào những ngày mưa mẹ không đi làm”.
Bố mẹ thường xuyên vắng nhà, Lượng dần trở thành “đầu bếp” chính từ đó về sau. Thậm chí, anh lo nội trợ còn nhiều hơn cả mẹ, từ việc đi chợ cho tới nấu nướng. Ước mơ trở thành đầu bếp nhen nhóm trong Lượng từ đó.
Năm Lượng 11 tuổi, có người trên Sài Gòn về quê rủ đi làm kiếm tiền. Quyết định bỏ học được đưa ra nhanh chóng.
Ở Sài Gòn, Lượng được đưa vào một xưởng may nhỏ. Khoảng 12 con người cả người lớn, trẻ con làm việc, sinh hoạt chung trong một căn nhà. Hàng ngày, từ sáng tới tối, công việc của Lượng là ngồi cắt chỉ thừa.
6 rưỡi sáng, sau khi ăn xong bát mì tôm, Lượng và mọi người bắt đầu công việc cho đến 11h. Ca chiều bắt đầu từ 13h đến 18h. Ăn tối và nghỉ ngơi một chút, Lượng bị bắt làm từ 19h đến đêm. Mấy ngày gần Tết, việc nhiều, 1-2h sáng mới được nghỉ là chuyện bình thường.
Đứa trẻ 11 tuổi không những bị bắt làm công việc của người lớn, mà còn bị bắt làm việc 15 tiếng/ngày. Nhưng khi ấy, Lượng không biết thế nào là bóc lột sức lao động hay lao động trẻ em là bất hợp pháp. Lượng chỉ biết là mình muốn về nhà. Nhưng nghe người ta dọa bỏ về không có tiền nên Lượng không dám. Người ta bảo làm gì thì Lượng làm đó, suốt 11 tháng. Mức lương được hứa hẹn trả chừng 4-5 triệu đồng cho 1 năm làm việc.
May mắn, xưởng may sử dụng lao động trẻ em trái phép bị cơ quan chức năng phát hiện. Trong bối cảnh hỗn loạn, nháo nhào, Lượng được công an đưa về đồn và trao trả về cho gia đình.
Được về quê, Lượng như tái sinh. Tổ chức xã hội Rồng Xanh (Blue Dragon) đã tài trợ cho Lượng tiền đi học trở lại. Học hết lớp 10, đứng trước ngưỡng chọn học nghề, Lượng đã nghĩ về ước mơ ngày nhỏ của mình – ước mơ trở thành một đầu bếp.
Tổ chức này lại giới thiệu Lượng tới một trường chuyên dạy làm bánh ở Huế. Ở đây, Lượng được tài trợ ăn học miễn phí cùng với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn khác. Đây có thể nói là một bước ngoặt trong cuộc đời Lượng.
Sau 16 tháng học tập, Lượng được giới thiệu tới thực tập 3 tháng ở một khách sạn 5 sao ngoài Hà Nội. Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, anh nỗ lực học hỏi và phấn đấu. Anh ngưỡng mộ người sếp lúc ấy là bếp trưởng bếp bánh nơi anh làm việc và ngay lập tức đặt ra cho mình mục tiêu để phấn đấu.
“Tôi đi xăm lên cánh tay mình hình ảnh một người đầu bếp và dòng chữ pastry chef (nghĩa là bếp trưởng bếp bánh)” – Lượng kể.
Đó là mục tiêu và mơ ước cực kỳ nghiêm túc của chàng học viên làm bánh mới ra trường.
Sau 3 tháng thực tập đầy nỗ lực, Lượng được nhận vào làm nhân viên chính thức. Một thời gian sau, khi khách sạn mở chi nhánh mới ở Phú Quốc, Lượng xin chuyển nơi làm việc. Không chỉ phải thích nghi với môi trường sống và làm việc mới, anh còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất cao của người quản lý.
“Sếp mới là người nước ngoài, rất khó tính và khắt khe. Ngày đó, tôi còn nhớ, tôi chưa được phát đồng phục nên đã mặc quần jeans đi làm. Sếp bắt tôi phải về khu nhà của nhân viên để thay quần khác, không cho mặc quần jeans. Suốt một thời gian, tôi chỉ được phép đứng nhìn ông làm, không được động tay đến cái gì. Ông có nhiều yêu cầu khắt khe đến nỗi tôi cảm tưởng như mình làm cái gì cũng không vừa lòng sếp”.
Có lúc, Lượng đã thoáng có ý định xin nghỉ việc vì quá áp lực. Nhưng khi bình tĩnh lại, anh kiên trì cố gắng thêm mỗi ngày một chút. Dần dần, Lượng “chinh phục” được vị sếp khó tính và trở thành học trò cưng của ông, người mà ông gần như cho toàn quyền quyết định khi giao việc. Đến bây giờ, khi ngồi nhìn lại, anh thấy đó chính là người thầy mà anh đã học hỏi được nhiều nhất.
Từ ngày đó đến giờ, Lượng đã chuyển qua 1-2 khách sạn khác nhau, tất cả đều là bếp bánh của những khách sạn 5 sao ở Phú Quốc. Cách đây 4 năm, anh được bổ nhiệm làm bếp trưởng bếp bánh sau nhiều năm nỗ lực rèn luyện.
“Để trở thành bếp trưởng, bạn không chỉ phải làm tốt kỹ năng chuyên môn, mà còn phải có kỹ năng quản lý, kỹ năng văn phòng, giao tiếp và kỹ năng tiếng Anh”.
Tất cả những kỹ năng đó, anh đã quan sát và rèn luyện mỗi ngày suốt những năm còn làm nhân viên dưới quyền. Lượng nói, môi trường nào cũng có những mâu thuẫn, những tranh đấu và phức tạp riêng. “Không có công việc nào nhàn hạ cả, chỉ là mình có cố gắng không thôi. Đi làm bị sếp mắng là bình thường. Sếp cũng có những áp lực từ cấp quản lý cao hơn”.
Chính vì thế, khi ở vị trí người quản lý, anh luôn cố gắng tạo một môi trường làm việc kỷ luật nhưng thân thiện, cố gắng giải quyết các mâu thuẫn trong phạm vi và quyền hạn của mình.
“Theo tôi, có 2 phẩm chất cần nhất khi làm công việc này hay bất cứ công việc nào khác, đó là lòng kiên trì và biết hạ cái tôi của mình xuống”.
Nói về những nơi đã hỗ trợ và dạy nghề miễn phí cho mình năm xưa, Lượng cho biết anh rất biết ơn những ân tình mà mình nhận được. Hàng năm, anh vẫn về trường để truyền thụ lại những kiến thức, kỹ năng cho các học viên, với ước mong con đường phía trước của họ sẽ tươi sáng.
Theo Vietnamnet
Kiểu trang điểm thành nhân vật Toodles Galore trong phim hoạt hình "Tom và Jerry" được hàng nghìn TikToker thực hiện, hút triệu lượt xem.
MỸ - Một cặp đôi ở độ tuổi "xưa nay hiếm" đã quyết định kết hôn tại viện dưỡng lão sau 9 năm hẹn hò.
Bốn lô mỹ phẩm dưỡng trắng, chăm sóc da do một công ty tại TPHCM chịu trách nhiệm đưa ra thị trường vừa bị Bộ Y tế yêu cầu thu hồi trên toàn quốc do mẫu kiểm nghiệm không...
Đảm bảo nhu cầu khuyến nghị, lựa chọn nguồn thực phẩm lành tính, dễ hấp thu là những lưu ý khi bổ sung canxi.
Xuất ngũ về quê, đôi bạn thân ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã tận dụng nguyên liệu có sẵn ở địa phương, cùng nhau mở xưởng sản xuất đèn ngủ bằng trầm hương.
Tối hôm anh mua cốc nước dứa về, tôi nằm trằn trọc, tự hỏi liệu cuộc hôn nhân này có thể thay đổi không. Chúng tôi mới cưới nhau được gần 1 năm thôi mà.
Không chỉ làm gia vị, gừng còn có nhiều công dụng như kích thích mọc tóc, ngăn rụng và nuôi dưỡng tóc hiệu quả.
Sinh năm 2000, anh Tài muốn cưới vợ hơn mình 14 tuổi và đã có con riêng. Cha mẹ anh vẫn vui vẻ chào đón con dâu.
MỸ - Câu chuyện của cặp đôi gần 100 tuổi là minh chứng cho việc tình yêu không phân biệt tuổi tác và có thể đến bất cứ lúc nào.
Mẹ chồng chị Quyên công tác trong quân đội nên quen với tác phong gọn gàng, ngăn nắp, làm đến đâu sạch đến đấy.