Hà Nội có một thức uống nổi tiếng làm nhiều du khách trong nước và quốc tế mê mẩn, mỗi lần ghé thăm Thủ đô đều muốn thưởng thức. Đó chính là cà phê Giảng.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ nhưng cà phê Giảng ở địa chỉ 39 Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm) vẫn nườm nượp khách. Có người đến đây lần đầu, nhưng cũng có du khách quay trở lại đây rất nhiều lần mỗi khi đến Hà Nội. Ai cũng đều có chung nhận xét cà phê mang hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được. Với nhiều người dân Thủ đô, cà phê Giảng chính là một phần thân quen của Hà Nội.
Thương hiệu cà phê Giảng được ra đời vào năm 1946, do cụ Nguyễn Văn Giảng sáng lập. Khi đó, cụ Giảng đang làm ở khách sạn Sofitel Legend Metropole. Cà phê Giảng cũng được biết đến là một trong "tứ trụ cà phê" (Nhân - Nhĩ - Dĩ - Giảng) nối tiếng một thời của đất Hà thành. Trước đây, cà phê Giảng bán tại Cầu Gỗ, sau đó được chuyển về Hàng Gai. Sau này, cụ Nguyễn Văn Giảng qua đời, các con cụ tiếp nối nghề của cha. Con trai út của cụ là Nguyễn Trí Hòa mở quán tại 39 Nguyễn Hữu Huân từ năm 2007 đến nay.
Ở cà phê Giảng, nổi tiếng nhất và bấn chạy nhất là cà phê trứng. Cà phê trứng truyền thống được làm từ những nguyên liệu đơn giản như cà phê, trứng gà, đường và sữa đặc. Các món mới được biến tấu từ cà phê trứng như đậu xanh trứng, matcha trứng, cacao trứng, rum trứng và mới nhất là bia trứng. Giá từ 30.000 đến 60.000 đồng một cốc.
Các loại đồ uống này cơ bản vẫn có lớp bọt trứng màu vàng nhạt phủ bên trên, phía dưới là cà phê được pha phin truyền thống hoặc bột đậu xanh, cacao, matcha theo yêu cầu của thực khách. Điều đặc biệt nhất của cà phê giảng là lòng đỏ trứng được đánh mịn như nhung, có vị ngọt và béo, không còn mùi tanh. Tuy nhiên, để đạt được hương vị đặc trưng và hoàn hảo, quá trình pha chế cà phê cần sự tỉ mỉ và khéo léo.
Mỗi người có cách thưởng thức của riêng mình. Tuy nhiên, cách uống điệu và ngon nhất là nghiêng ly, hớp nhẹ một ngụm, vị đắng của cà phê tan chảy cùng vị kem trứng tạo nên vị ngọt béo, mùi thơm đậm đà, ấn tượng. Dùng thìa khuấy từ đáy lên, thực khách sẽ thấy những phần bột màu xanh, màu nâu quyện vào lớp bọt mịn.
Nếu muốn thay đổi khẩu vị, thực khách có thể uống cà phê trứng truyền thống mix cùng đậu xanh, cacao hay matcha, mang đến cảm giác mới lạ.
Đến với cà phê Giảng, khán giả còn có cơ hội quay về Hà Nội những năm xưa vì nơi đây còn lưu giữ không gian của Hà Nội thời kỳ bao cấp. Những bộ bàn ghế thấp, những chiếc ghế băng dài, lọ hoa nhỏ xinh, mộc mạc trên trên chiếc bàn nhỏ… được bày biện đẹp mắt tạo nên không gian Hà Nội xưa cũ vừa gần gũi, thâm trầm, vừa cổ kính, thanh lịch. Du khách đến cà phê Giảng còn có thể chiêm ngưỡng nhiều đồ vật cổ khoảng hàng trăm năm tuổi như chiếc quạt đã có 100 năm tuổi hay bộ bàn ghế có tuổi đời 40-60 năm...
Cô Nguyễn Thị Xuân Hương (60 tuổi), một người dân sinh ra và lớn lên ở Hoàn Kiếm dành cho cà phê trứng một tình yêu lớn. Từ khi còn là một cố bé 10 tuổi, cô đã được bố mẹ dẫn đi thưởng thức đặc sản cà phê Giảng. Sau này, cô Hương cô bị “nghiện” cà phê trứng, chỉ chờ dịp bố mẹ dẫn đi chơi là ghé cà phê Giảng. Sau này, các con, cháu cô cũng có niềm đam mê với cà phê trứng. Mỗi khi những người bạn phương xa ghé thăm Hà Nội, cô Hương thường dẫn bạn bè đến thưởng thức đặc sản Hà thành này.
Chị Nguyễn Thị Hà Vi - một hướng dẫn viên du lịch chuyên cho du khách Đức chia sẻ: “Mỗi tháng, tôi đều nhận những đoàn khách du khách Đức. Họ rất mê ẩm thực Hà Nội. Bên cạnh bún thang, bún chả, phở,… tôi thường dẫn họ đến thưởng thức cà phê Giảng. Họ thích nhất là món cà phê trứng truyền thống. Có những vị khách quay lại Việt Nam vài lần và họ vẫn luôn nhớ hương vị cà phê Giảng”.
Tổng hợp nhiều nguồn