Tớ và cậu đã từng chúc nhau gia đình hạnh phúc. Nhưng cậu và tớ đã làm gì cho lời chúc đó thành hiện thực?
Sau bao lần lên kế hoạch rồi hoãn ngược hoãn xuôi, cuối cùng thì “Đội NN” cũng đã rời gia đình lên đường trải nghiệm. Biệt danh “Đội NN” nghe có vẻ bí hiểm nhưng đó là tên gọi tôn sùng do mấy ông chồng đặt cho cái “đội nóc nhà” của các bà vợ đồng sáng lập. Nghĩ cũng lạ, cùng một đội nhưng không có chị nào giống em nào. Người thì nghiện tắm biển, người thì mấy chục năm chưa biết biển là gì; người thì lúc nào cũng lo lắng bệnh tật, người thì tin sống chết có số; người thì ăn gì cũng sợ độc, người thì cứ khăng khăng độc hay không là do cơ địa; người thì rất khó ngủ, người thì lưng chưa chạm chiếu đã ngáy khò khò...
Tưởng như mỗi người là một thế giới khác biệt không thể hoà nhập, ấy vậy mà chẳng hiểu sao các chị em lại “về cùng đội”. Điểm chung to lớn nhất của cả đội là cùng sở hữu một niềm tin đặc biệt vào “chuyên gia tâm lý mạng”. Vì vậy mà cả chục chị em đều quyết tâm xa nhà mấy ngày để cách ly cõi mạng và thoát khỏi mọi áp lực ràng buộc với chồng con gia đình. Theo lời các chuyên gia tâm lý mạng thì đây là một phương pháp khoa học để phụ nữ tự giải phóng năng lượng tồn đọng. Giống như việc đưa con người vào trạng thái không trọng lượng. Khi tạo ra được khoảng trống, tâm trạng người phụ nữ sẽ được dọn sạch để đón nhận những năng lượng tích cực và nguồn cảm hứng mới tốt đẹp hơn. Nói theo ngôn ngữ của công nghệ điện thoại là “tắt nguồn, khởi động lại và cài đặt gốc”.
Hiểu được tính khoa học cũng như tác dụng và ý nghĩa về chuyến trải nghiệm của “Đội NN”, các ông chồng rất nhiệt tình ủng hộ. Ông này sốt sắng bố trí xe cộ, ông kia hứa hẹn chăm lo việc nhà, ông nọ động viên vợ cứ yên tâm trải nghiệm bao lâu cũng được. Tuy không nói ra nhưng ông nào cũng hoan hỉ vì tin rằng đối tượng thụ hưởng lợi ích to lớn nhất từ mỗi chuyến trải nghiệm của “đội nóc nhà” chính là những ông chồng.
Tranh của họa sĩ Trần Thắng
Đến khu homestay cạnh con suối nước nóng nổi tiếng trong lành thơ mộng, cả chục chị em trong đội như hổ về rừng. Chị em lập tức chuyển đổi trạng thái, vô tư gọi nhau bằng “mụ”. “Đội nóc nhà” bỗng dưng trở thành “đội các mụ”. Chưa bao giờ các mụ được tự do thoải mái như thế. Mụ Hồng là người máu lửa nhất đội tuyên bố:
- Từ bây giờ tất cả điện thoại đều phải tắt nguồn. Toàn đội tạm thời quên cả thế giới.
- Ok! Chốt! Cả đội hô vang hưởng ứng.
Hết buôn bán dưa lê các mụ lại kéo nhau đi luộc trứng ở giếng nước nóng, câu cá sấu giải trí, tắm bùn tập thể, spa thảo dược... Vui nhất là khi tắm bùn, mụ nào cũng giống như con ma lem, bùn đen phủ kín từ đầu đến chân. Khi các mụ không còn nhận ra nhau nữa đó là lúc sự tự tin đạt đỉnh và mụ nào cũng cười vui hoác cả miệng.
Bận ăn chung đầu tiên gồm những món thực phẩm do mấy ông chồng đã chuẩn bị sẵn cho các mụ mang theo. Thật lạ lùng và thú vị khi các mụ lôi từ ba lô túi xách ra hàng chục món ăn mà không có món nào trùng nhau. Thậm chí từ trái chanh, quả ớt, tăm xỉa răng, khăn giấy... đều có đủ. Gom các món lại thành ra một bàn tiệc rất thịnh soạn cứ như được đầu bếp làm theo thực đơn chuẩn chỉnh. Rồi các mụ cũng khui lon bóc bóc, cũng hô “một hai ba... zô zô” rầm trời trong niềm hứng khởi mới lạ.
Khi vợ vừa vắng nhà các ông chồng lại vào “nhóm kín” zalo thì thụt với nhau. Ông nào cũng vui vẻ báo cáo đã chế biến đúng món được nhóm phân công chuẩn bị cho từng nóc nhà mang đi. Niềm vui thầm lặng lan toả, kết nối các ông chồng thành một nhóm, tạm gọi là nhóm “dưới nóc nhà”. Cả nhóm “dưới nóc nhà” tuy người nào ở nhà người đó nhưng cùng mỉm cười khi nghĩ về bữa tiệc đặc biệt của “Đội NN” tại khu homestay. Được chăm sóc yêu chiều theo cảm xúc của vợ cũng là niềm hạnh phúc đối với những người chồng tử tế.
Đêm thứ nhất. Vì là thành viên rất khó ngủ nên Thuỳ Vân được các mụ ưu tiên cho căn phòng đẹp nhất, có cửa sổ hướng ra bầu trời. Tuy nhiên Thuỳ Vân vẫn có cảm giác xa lạ trống rỗng, không sao ngủ được. Cứ ngỡ đây là dịp để chị em được bung xoã hết mình, vậy mà dường như các cả đội đều cảm nhận ra cái khoảng cách vô hình không thể nào vượt qua được. Chút tâm trạng cô đơn xa vắng khi rời khỏi chồng con như làn gió cuối thu cứ chờn vờn săn se trong lòng các mụ. Thì ra, khi hùng hổ thì nói cho sướng miệng chứ tự đáy lòng chẳng mụ nào muốn thoát khỏi sự ràng buộc với gia đình. Giống như cánh diều, càng bao cao giữa bầu trời thì càng cần phải có sợi dây bền chặt neo giữ.
Đêm thứ hai. Thuỳ Vân đã cố gạt mọi suy tư ra khỏi đầu mà giấc ngủ vẫn chưa đến. Tuy nàng khá hài lòng với không khí vui chơi bung xoã thoải mái và chăn nệm thơm tho lịch sự của homestay nhưng chừng đó cũng chưa đủ để mang lại cảm giác bình yên ấm áp như khi ở trong căn nhà mà hai vợ chồng vẫn thường nói đùa với nhau là cái “ổ lợn”. Ở nhà mỗi khi chồng đi vắng Thuỳ Vân cũng rất khó ngủ. Quả thực với nàng thì không gì thay thế được “hương chồng” quen thuộc.
Không riêng gì Thuỳ Vân, các mụ trong đội nóc nhà cũng đã nhận ra, chẳng hề có chuyện “tắt nguồn, khởi động lại, cài đặt gốc” nào cả. Đây chỉ là dịp giúp các mụ đứng sang một bên cuộc sống ồn ào bận bịu để bình tâm nhìn lại những gì mà mình đang có, để lắng nghe tiếng lòng và trân quý hạnh phúc gia đình hơn. Cuộc sống vốn dĩ đầy ắp hỉ nộ ái ố nên có khi làm cho người ta mất phương hướng, lẫn lộn thực với ảo. Ngẫm lại, Thuỳ Vân càng thấm thía hôn nhân là duyên nợ. Chỉ có vợ chồng mới thực sự cùng nhau gánh vác chia sẻ mọi ngọt ngào cay đắng và cùng nhau đi đến tận cùng cuộc đời. Những thứ rung rinh ngoài vợ ngoài chồng chỉ như ảo mộng, thậm chí là vô nghĩa với đời thực. Vén tấm màn cửa sổ, Thuỳ Vân mơ màng ngước nhìn bầu trời đầy sao. Vô vàn ngôi sao đang nhấp nháy như những ánh mắt. Có được bao nhiêu ánh mắt nhìn thấu lòng nàng? Ngôi sao nào mang ánh mắt của chồng? Ngôi sao nào mang ánh mắt của con của cháu?
Mặc dù Thuỳ Vân cũng đã quyết tâm cách li điện thoại trong mấy ngày nhưng vì biết chồng đã gửi đến bản thảo truyện ngắn nên máu văn chương lại trỗi dậy. Tuy chồng Thuỳ Vân viết văn chỉ để thoả mãn đam mê nhưng nhờ có lối viết thâm trầm dí dỏm và chất chứa những thông điệp rất ý nghĩa nên luôn hấp dẫn người đọc. Thuỳ Vân tặc lưỡi, coi đây là tình huống bất khả kháng rồi bật điện thoại lên. Hầu như mỗi lần chồng viết xong một bản thảo mới thì Thuỳ Vân là người đọc đầu tiên. Việc đọc bản thảo và góp ý chỉnh sửa giúp chồng đã trở thành một thói quen “bếp núc văn chương” của nàng. Lần này vừa mở bản thảo ra Thuỳ Vân đã nhíu mày rồi bật cười vì cái tựa đề “3 lần và 1 lần”. Nàng nghĩ chắc là chuyện hài hước. Bởi vì tên truyện giống với tên một bộ phim mà hai vợ chồng từng xem đến ba lần vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của cái tên phim bí ẩn đó. Có lần chồng nàng còn nói đùa chắc phải xem lại phim này thêm vài lần nữa.
***
Bản thảo mở đầu bằng giọng văn ngồ ngộ với những cái tên vừa lạ vừa quen:
“Mặc dù tính về thời gian và số lần tiếp xúc với Quân tuy không nhiều nhưng cũng đủ để Quang phác hoạ được chân dung của Quân. Cái chân dung đó khác xa với những gì mà nàng Tuệ Minh từng mô tả. Có thể nói đây là chân dung qua những lần gặp. Hay gọi là chân dung “3 lần và 1 lần” cũng được.
Lần thứ nhất.
Hôm đó, sau buổi học chung trên lớp, bỗng dưng Tuệ Minh rủ Quang sáng mai cùng về quê mấy ngày. Nhìn vào ánh mắt nàng, Quang không còn lí do để từ chối. Ừ, về thì về! Sáng sớm một cậu bạn chở Quang, còn Tuệ Minh thì có cô bạn Quỳnh Hương cùng chở ra bến xe cách trường gần 5 km. Đến bến xe Quang nhìn thấy một anh chàng đang nhìn quanh chờ đón, có vẻ như chuẩn bị đi cùng chuyến xe. Chàng trai ấy là Quân, bạn trai của Tuệ Minh. Chắc chắn Quân đã ít nhiều biết về Quang qua những lời kể của Tuệ Minh nhưng khi giáp mặt Quang thì Quân lại ngó lơ như người xa lạ. Tuệ Minh, người bạn gái thân thiết nhất của Quang cứ lúng túng như gà mắc tóc, nàng tỏ ra không quen biết Quân. Màn kịch bắt đầu diễn ra tại bến xe. Quỳnh Hương là bạn chung của ba người nên dễ dàng nhận ra tình huống trớ trêu đó. Vì vậy Quỳnh Hương đã cố tình gọi toáng lên để các bạn dừng màn kịch lại: “Quân ơi... Quang ơi... Tuệ Minh ơi... chúc ba bạn về quê vui nhé...”
Chỉ một thoáng ngơ ngác, Quang đã chợt hiểu. Quân và Tuệ Minh vờ như không nghe tiếng gọi của Quỳnh Hương. Đã vậy anh phụ xe còn xếp chỗ hai chàng và một nàng ngồi chung trên cái băng ghế ba chỗ. Xe chuyển bánh, từ từ chạy ra khỏi thành phố. Quang cảm thấy không khí rất gượng gạo, muốn màn kịch kết thúc ngay nên quay sang hỏi thẳng Quân:
- Anh từ Thuỷ Nguyên về à?
- À... ừ... không...
Thấy Quân lúng túng và không muốn trả lời nên Quang cũng chẳng hỏi thêm nữa. Quân và Tuệ Minh vẫn làm ngơ, màn kịch cứ tiếp diễn giống như trẻ con chơi trò trốn tìm. Thật sượng sùng khi cả ba người đã biết tỏng chỗ ẩn trốn của nhau vậy mà vẫn cứ giả bộ không nghe không thấy.
Chiếc xe chở khách cũ nát không khác gì xe chở lợn. Trong xe nóng nực ngột ngạt, nhồi lắc ken két, tiếng máy lúc thì rú lên ằng ặc, lúc lại khò khè như người bị hen suyễn. Gặp phải ổ gà, ổ voi hành khách bị tung lên rồi dằn xuống thốn cả ruột. Xe cứ lạch ạch bò đi cuốn theo dòng bụi mù mịt, nhuộm vàng mọi thứ bên đường. Được chừng nửa quảng đường, cái băng ghế ngồi 3 ọp ẹp không chịu nổi trọng lượng và tâm trạng nặng nề của ba hành khách bất đắc dĩ làm cho nó từ từ gãy võng xuống hình chữ V. Thế là màn kịch “3 người trên 1 cái ghế gãy” càng cao trào kịch tính hơn. Nàng ngồi giữa, Quân một bên và Quang một bên. Vì cái ghế gãy ở giữa nên cả hai chàng cứ bị tuột vào lèn chặt lấy nàng. Xe càng lắc lư hai chàng càng phải gồng mình vặn lưng như diễn viên xiếc đang diễn trò bập bênh chống tuột. Sau này, mỗi khi nhớ lại cảnh diễn “2 chàng 1 nàng trên cái ghế gãy” là Quang lại phì cười. Cười vì nó hài hước hơn chuyện cổ tích “hai ông một bà”. Chắc hẳn suốt đời này cả ba người sẽ không ai quên được chuyến xe kỳ lạ đó.
Thật lòng khi ấy Quang cũng khá hụt hững vì Tuệ Minh chưa bao giờ che dấu Quang điều gì cả. Quang gắn bó yêu quý nàng cũng một phần vì điều đó. Vậy mà sao Tuệ Minh lại cùng với Quân nỡ dối lừa Quang một việc kỳ cục như thế? Bản chất trong sáng thiện lương của nàng Quang biết rõ mà. Về đến bến xe huyện, gọi vậy cho sang chứ bến xe chỉ là cây đa cụt ngọn và cái chòi bán vé đứng chơ vơ bên con đường sỏi đá. Ba người xuống xe. Tuệ Minh cùng đi về nhà Quang cách đó không xa. Quân lầm lũi đón xe tải đi tiếp chặng đường về nhà. Thì ra trước đó Quân đã có suy nghĩ Tuệ Minh là người “bắt cá hai tay” nên không cho nàng giới thiệu mình với Quang. Có lẽ Quân muốn dùng màn kịch để vừa làm khó nàng vừa buộc nàng phải bộc lộ ý định “bắt cá hai tay”. Tuy nhiên chính Quân đã bị tình huống kịch nhấn chìm rồi tự nhận ra mình không phải là con cá mà nàng lựa chọn.
Lần thứ hai.
Hôm sau, Quang lọc cọc đạp xe lên thị trấn cũ. Nơi đây chỉ còn là vùng đất hoang tàn với những vạt ngô mọc xấp xoi. Con đường đỏ quạch đi vào làng quê của Tuệ Minh vẫn còn đó. Bên bờ sông Ngàn, cái chợ quê cứ nhốn nháo chênh chao vì huyện chưa dẹp xong. Người đi chợ giống như những con ong tan đàn đang chấp chới tìm về tổ sau khi bị cơn bão di dân đập phá tan tác. Bất ngờ Quang và Quân lại gặp nhau. Đúng là thế gian chật hẹp hơn người ta nghĩ. Quân ngồi trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng, sau xe buộc một cái thùng gánh nước. Mặc áo xanh kẻ sọc, đầu đội mũ phớt đen, trông Quân rất trẻ trung. Nhìn thấy Quang, cặp mắt Quân chợt sáng lên vì nhận ra nhau. Có gì mà không nhận ra chứ. Hôm qua ba người vừa ngồi chung một băng ghế trên xe, chung một hành trình, phải gần nửa ngày mới xuống xe cơ mà. Một lần nữa Quang lại chủ động gọi:
- Quân... Quân... đi đâu mà chở cả cái thùng to vậy?
Quân ngoảnh lại, trong tích tắc ánh mắt Quân đã kịp trở về trạng thái “không quen biết”. Câu trả lời bật ra theo kiểu bị động:
- Ờ... mình đi mua cá giống.
Dứt câu, Quân lạnh lùng như người chưa từng quen biết, ngoảnh mặt đạp xe đi luôn. Quang đứng ngẩn người nhìn theo rồi thầm nghĩ: “Không lẽ mình lại nhìn nhầm người”?!
Sau đó, khi gặp lại Tuệ Minh, Quang chưa kịp kể việc gặp Quân đạp xe chở thùng đi mua cá giống thì nàng đã hồn nhiên nói:
- Hôm qua Quân ghé nhà Minh chơi có kể chuyện gặp Quang ngoài thị trấn cũ. Quân cứ băn khoăn vì khi đó không nhận ra Quang nên Quân chẳng chào hỏi gì. Quân cứ ngại Quang sẽ trách Quân.
- Ơ... Thế là...
Vừa buột miệng thì Quang đã kịp dừng lại. Nhận ra nhau hay không chỉ có Quân tự biết. Ở đời đâu phải việc gì cũng cần rõ ràng. Quang chỉ hơi bất ngờ về khả năng biến hóa rất tài tình của Quân, giống như mấy diễn viên qua mặt nhau trên sân khấu. Mới vài ngày mà sao có nhiều chuyện lầm lẫn kỳ cục đến vậy. Chàng Quân mà thi thoảng Tuệ Minh nhắc đến có phải là Quân cùng ngồi trên cái ghế gãy? Quân trên cái ghế gãy có phải là Quân đi mua cá giống? Còn Quân đi mua cá giống có phải là Quân mà Tuệ Minh đang kể với Quang? Hay đây chỉ là một giấc mơ lẫn lộn hư thực?
Lần thứ 3.
Một lần Quân ghé qua trường đại học, nơi Tuệ Minh và Quang đang theo học. Tối hôm đó Tuệ Minh nhắn Quang đến kí túc xá nữ. Thường thì buổi tối Quang vẫn ghé qua kí túc xá nữ gặp Tuệ Minh trò chuyện dăm câu ba điều chứ chẳng phải hò hẹn nhắn nhe gì cả. Sao hôm nay Tuệ Minh lại tỏ ra quan trọng thế? Bước đến trước dãy kí túc xá nữ, Quang thấy Tuệ Minh đang ngồi trò chuyện với một người con trai. Thì ra người đó là Quân. Ba người chào nhau gượng gạo rồi cùng ngồi trên bậc thềm trò chuyện. Ánh trăng trộn lẫn với ánh điện vàng ệch hắt ra từ mấy ô cửa tạo thành thứ ánh sáng lờ lợ lách qua tán lá của hàng cây bạch đàn. Những vệt sáng loang lổ cứ vật vờ gạt qua gạt lại. Cơn gió xào xạc, chốc chốc như con thú bị co giật thổi tung cát bụi. Tuệ Minh lại quên mất việc làm cầu nối để hai chàng bắt chuyện với nhau nên Quang và Quân chỉ biết hỏi nhau vài câu vu vơ lạc lõng. Quang đành xoay sang những câu chuyện thường ngày của sinh viên. Ngồi với Tuệ Minh thì chỉ có hết ngày hết buổi chứ Quang chưa khi nào hết chuyện. Còn Quân chỉ nói chủng chẳng mấy câu rồi bất ngờ cáo từ về nhà người quen nghỉ đêm để sáng mai đi tiếp. Quang rất bất ngờ trước cách ứng của Quân. Trong lần gặp nhau này Quân không còn đóng kịch. Tuy nhiên khi không đóng kịch thì chỉ còn lại một chàng Quân tẻ nhạt và thiếu tự tin.
Khuya. Cơn gió ngủ quên, dải mây màu cánh vạc như mảnh khăn buông hờ lên vầng trăng. Tạm biệt Tuệ Minh mà Quang vẫn chưa hiểu nàng nhắn mình xuống kí túc xá nữ để làm gì. Nếu Quân không đường đột bỏ đi chắc là nàng đã nói được những điều muốn nói?
Và 1 lần.
Nhiều năm sau. Cuộc sống của vợ chồng Quang tại thành phố biển thật sự yên ổn hạnh phúc. Một hôm cả nhà đang vui vẻ thì Tuệ Minh bất ngờ nhận được điện thoại. Thấy vợ xưng hô trống không khác lạ nên Quang mới hỏi:
- Ai gọi vợ thế?
Sau một thoáng ngập ngừng, Tuệ Minh đáp:
- Quân gọi. Hình như Quân đang trên đường đến phố biển chơi thì phải.
Hôm sau Tuệ Minh kể với chồng:
- Nghe con Hạ gọi điện báo Quân đã đến phố biển rồi, đang ở nhà thằng Bằng đồng hương. Nó nhờ con Hạ rủ vợ tới đó. Nghe nói nó còn mang cả tập thơ và nhật ký gì đó nữa để gặp riêng vợ đấy.
Nghe vợ kể sơ qua như vậy, Quang không quá bất ngờ. Từ lâu Quang đã biết Quân vẫn thường có những biểu hiện thiếu thiện chí về cuộc hôn nhân của Quang với Tuệ Minh. Vì thế mà Quang có linh cảm cuộc hôn nhân của mình sẽ bị Quân quấy rối. Bây giờ thì Quân đã tìm đến nơi rồi. Quang quyết định lần này sẽ không im lặng nữa. Phải gặp và đối diện nhau một lần cho xong. Quang liền hỏi Tuệ Minh:
- Vợ có số điện thoại của nó không?
Tuệ Minh liền đọc luôn số điện thoại của Quân. Có số điện thoại, suy nghĩ một lúc rồi Quang mới gọi điện:
- A lô, xin hỏi đây có phải số điện thoại của anh Quân không ạ?
- Tôi đây.
- Chào anh Quân. Tôi là Quang ở phố biển đang gọi cho anh đây.
- Quang nào nhỉ?
- Quang quê ở làng Trung. Quang chồng Tuệ Minh đây mà.
- Chồng Tuệ Minh? Tuệ Minh nào nhỉ?
- Tuệ Minh là người mà mấy ngày qua anh đã đánh đường từ ngoài quê vào tận đây để hẹn hò gặp nhau ấy. Nhớ ra chưa? Tôi biết chắc là cái tên của vợ chồng tôi thì anh chưa bao giờ quên đâu.
- Ồ lâu quá rồi nên mình chẳng còn nhớ gì cả.
- Không sao. Bây giờ anh đang ở đâu? Vợ chồng tôi đến gặp anh được không?
- À... ờ... mình về quê rồi.
- Ồ sao về nhanh thế? Nghe nói anh đang đi Đảo Ngọc mà. Hẹn nơi gặp nhau nhé.
- À... ờ... bọn mình đi Đảo Ngọc thăm các chiến binh. Bọn mình là chiến binh mà.
- Tôi biết anh có mang theo cả mấy tập thơ văn bằng chứng gì đó và muốn hẹn hò gặp riêng vợ tôi. Anh có thể cho tôi biết đó là thứ gì mà quan trọng vậy không?
- Không có, làm gì có.
- Có! Chắc chắn là có! Anh nói ra thì người ta mới báo lại cho vợ chồng tôi biết chứ.
- À... ờ... có nhưng mình đốt rồi. Đốt hôm qua rồi.
Quang cố nén bực bội trước sự tráo trở như trẻ con của Quân để tiếp tục nói cho xong câu chuyện:
- Thế là vợ chồng tôi không gặp anh được rồi. Thôi thì nhân đây tôi sẽ nói với anh hai điều. Anh nghe cho rõ nhé. Thứ nhất, trong thời gian Tuệ Minh học tại trường đại học có rất nhiều chàng trai theo đuổi. Khi Tuệ Minh vào công tác tại thành phố biển, mới vài tháng mà cũng đã có mấy chàng trai tìm đến. Nói như vậy để anh biết Tuệ Minh chưa bao giờ thiếu đối tượng để lựa chọn. Nếu Tuệ Minh là người ham chọn chồng giàu sang địa vị thì nàng đã không chọn tôi. Và nếu Tuệ Minh với tôi không kết hôn thì anh cũng không phải là đối tượng để Tuệ Minh lựa chọn. Sự thật là như vậy đó.
Nghe đến đây Quân im lặng, cái loa điện thoại không còn âm thanh liến thoắng như lúc đầu nữa. Quang nói tiếp:
- Điều thứ hai, tôi thay mặt Tuệ Minh xin lỗi anh vì một vài lí do nên vợ tôi chưa tiện nói cho anh biết những sự thật nói trên.
Sau mấy cái đằng hắng, giọng Quân trở nên ấp úng với cách xưng hô lộn xộn:
- Mình vẫn nhớ có lần mình gửi tin nhắn cho Tuệ Minh, cậu đã nhắn lại mắng mình đừng làm trò vớ vẩn nữa. Mình vẫn còn nhớ mà.
- Đúng! Tôi luôn sẵn sàng bảo vệ gia đình. Anh nhắn tin như vậy cho phụ nữ, nhất là phụ nữ đã có chồng là không được. Đúng là trí nhớ của anh rất tốt.
Anh chẳng quên bất cứ việc gì liên quan đến vợ chồng tôi cả.
- Đàn ông với nhau ta cứ nói thẳng. Mình cũng đã từng quan hệ với đủ loại gái, chuyện thường ngày của đàn ông ấy mà. Nhưng nói thật mình chưa làm gì Tuệ Minh đâu. Đồng hương cứ yên tâm, không tin thì cứ hỏi Tuệ Minh là biết.
Nghe đến đây Quang bất chợt rùng mình. Cố giữ giọng bình thản:
- Đàn ông cũng có năm bảy loại. Chắc chắn tôi với anh là không cùng loại. Anh không đủ tư cách để nói về sự trinh bạch của vợ người khác. Thì ra chừng đó năm rồi mà anh vẫn chẳng hiểu gì về Tuệ Minh cả. Thôi, đây là cuộc điện thoại đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa tôi với anh. Từ nay coi như tôi và anh chưa từng biết nhau và đừng bao giờ liên quan quấy rầy đến cuộc sống của nhau nữa. Nhớ đấy!
- Được thôi. Coi như đây là cuộc điện thoại đầu tiền và cũng là cuối cùng vậy.
Cúp máy. Cuộc điện thoại như giọt nước tràn li làm cho Quang phải suy tư và nhớ lại những điều không đáng nhớ. Qua ba lần gặp mặt, một lần đàm thoại cùng với những chuyện Tuệ Minh từng tâm sự, Quang quá thất vọng về Quân. Bây giờ Quang phải nghĩ về Quân thế nào đây?
Vốn là người trầm tính nhưng Quang lại khá nhạy cảm. Quang chẳng lạ gì những chiêu trò hạ đẳng của tụi con trai cùng thời. Mấy anh chàng yếu thế thường dùng chiêu trò vờ vịt tiết lộ cấp bậc, chiến tích, cơ hội thăng tiến... để nâng giá bản thân. Vậy mà cũng lấy được lòng tin của khối cô gái nhẹ dạ. Dù biết không nên đụng chạm đến hình bóng của bất cứ ai nhưng trong Quang vẫn xuất hiện một thứ cảm xúc rất lạ. Bất giác Quang nghĩ Tuệ Minh của mình thật may mắn. Đời nàng đã tránh được kiếp nạn hôn nhân với mẫu người dung tục tiểu xảo, mặc nhiên coi chuyện ăn chơi gái gú là lẽ thường của đàn ông.
Quá thất vọng về Quân nhưng Quang vẫn cứ băn khoăn, Tuệ Minh chỉ nên biết về một chàng Quân hào hoa lãng mạn ngày xưa hay cần phải biết thêm một chàng Quân trần trụi của thời hiện tại? Đó là một người đàn ông sến súa đến nỗi đã lồng cả tên người yêu mới vào chữ ký của mình mà vẫn cứ lẳng nhẳng với người yêu cũ vì chưa nói lời chia tay. Một người đàn ông tự cho mình là cao thượng mà cứ hễ có cơ hội là buông lời lả lơi với vợ người khác. Một người đàn ông mà bất chấp cảm xúc của người vợ gối ấp tay kề để sống phong tình ích kỷ. Một người đàn ông mà khi không đạt được tình yêu thì chuyển sang oán hận. Oán hận cả người mình từng yêu thì đó là bụng dạ của kẻ tiểu nhân hay người quân tử?
Rồi Quang lại mong vợ mình thấu hiểu trên đời này chẳng có người phụ nữ nào là gỗ đá cả. Chỉ có những người phụ nữ cam chịu, họ phải làm ngơ, họ phải cắn răng, họ phải vui cười, họ phải chiều theo ý của người chồng không cần biết cảm xúc của vợ để cho gia đình yên ổn. Vợ ơi, “ớt nào mà ớt chẳng cay”, chẳng lẽ vợ lại không nhận ra có người phụ nữ khác đang phải sống trong sự bạo hành tâm lí hay sao? Nếu như vợ có một người chồng đồng sàng dị mộng, luỵ tình đến mức ích kỷ thì vợ có chịu nỗi không? ...”
***
Đọc xong phần bản thảo viết dở của chồng, Thuỳ Vân nhìn ra bầu trời đêm đang chuyển sang màu bàng bạc, chỉ còn thưa thớt mấy ngôi sao nhấp nháy. Thuỳ Vân nhí nhoáy nhắn tin: “Anh chồng nhà văn ơi! Anh có biết em đang nhớ ai không? Nhớ không ngủ được, hai đêm rồi hết đếm sao trời em lại đọc bản thảo của anh. Truyện anh viết còn dang dở, không đầu không cuối nhưng em đã nhận ra mạch truyện rồi. Em biết là anh chưa tìm được cái kết sao cho thoả đáng. Trong câu chuyện tình này chỉ có nhân vật Tuệ Minh là người duy nhất có thể đưa lại cái kết có hậu và hợp lí nhất. Một người vợ chung thuỷ và yêu thương chồng thật sự thì sẽ biết cách làm cho những người đàn ông khác không còn bất cứ cơ hội nào để có thể đụng chạm đến hạnh phúc gia đình của mình. Hiểu về phụ nữ thì anh sao bằng em được. Em sẽ hoá thân vào người trong cuộc rồi viết tiếp phần kết giúp anh nhé”.
Thế là Thuỳ Vân đặt mình vào vị trí của nàng Tuệ Minh, tham gia viết bức thư ngắn để giúp chồng đưa vào phần kết của câu chuyện:
“Chào cậu! Cậu hãy chấp nhận cách xưng hô từ thuở học trò của tớ nhé! Còn coi cậu là bạn thì tớ mới xưng hô như vậy. Tớ chỉ có mỗi một tiếng “anh” thì đã dành trọn cho chồng tớ rồi.
Biết cậu không muốn tự hiểu nên tớ phải nói lại một lần cuối cùng cho rõ ràng. Tình yêu học trò thực ra là một thứ tình bạn đặc biệt có chút ngây thơ bản năng. Nhưng chúng mình cũng như bao nhiêu người khác đã từng ngộ nhận và ngỡ đó là tình yêu thật. Chỉ đến khi tớ vào đại học, Quang là người duy nhất giúp cho con tim của tớ biết thổn thức rung động. Rung động cả tâm hồn và thể xác. Tớ đã nhận ra đó mới là một tình yêu đích thực, tình yêu của người trưởng thành.
Đối với cậu, dù mọi kỷ niệm vẫn nguyên vẹn trong lòng nhưng sau 5 năm gặp lại thì tớ quá bất ngờ. Suýt nữa tớ không nhận ra cậu. Cậu không còn là một chàng Quân thông minh đẹp trai mà tớ từng say mê và cố gắng học hành để cùng tiến bộ. Lúc đó trước mắt tớ cậu như một người xa lạ thô ráp tục tằn. Thì ra tình yêu học trò đã tô vẽ ra một chàng Quân lãng mạn khác xa với chàng Quân trần trụi của đời thực. Tớ như bị dội nước lạnh vào đầu, nỗi thất vọng hụt hững bao trùm. Nguồn cảm xúc để nuôi dưỡng tình yêu đã cạn kiệt. Nhận thức là quá trình thay đổi. Tất cả mọi thứ, kể cả tình cảm cũng đều thay đổi theo nhận thức. Và như cậu đã biết, cuối cùng thì con tim với lí lẽ riêng của nó đã dẫn dắt thành công cuộc đời của tớ.
Hôm nay tớ muốn nói với cậu rằng, bổn phận của chúng ta bây giờ là phải sống có trách nhiệm cao nhất với gia đình của mình. Tớ và cậu đã từng chúc nhau gia đình hạnh phúc. Nhưng cậu và tớ đã làm gì cho lời chúc đó thành hiện thực? Chúng ta sẽ không làm được bất cứ điều tốt đẹp nào nếu cứ mãi dây dưa yêu ghét oán hận. Đâu phải hoài niệm nào cũng là chất men của cuộc sống. Nếu không biết cách ứng xử với hoài niệm thì có khi hoài niệm lại trở thành độc tố, âm thầm bạo hành hủy hoại hạnh phúc đang có. Cách ứng xử tử tế nhất là hãy biết cách giã từ dĩ vãng. Mà cậu cũng đừng dùng câu thơ “Cầu cho em được người chồng như tôi đã yêu em” để tự huyễn hoặc nữa, nghe sến sẩm và buồn cười lắm. Quang từng nói với tớ “tình yêu mà không đến được hôn nhân là thứ tình yêu chưa đủ lớn”. Đúng là những tình yêu khác đều chưa đủ lớn và trở nên lu mờ bé nhỏ trước tình yêu của Quang đã dành cho tớ.
Để cậu hiểu đầy đủ hơn, tớ gửi đến cậu truyện ngắn “Yêu để sống”. Có thể cậu sẽ cho rằng truyện ngắn này là lời ngụy biện nhưng tình yêu trong truyện vẫn là sự thật. Cậu sẵn lòng đọc hay không thì tùy cậu, còn giữa chúng ta có lẽ không cần thêm bất cứ dòng hồi âm giải bày nào nữa”.
***
Gửi xong tin nhắn viết hộ đoạn kết trong truyện ngắn của chồng, Thuỳ Vân nhìn ra ngoài cửa sổ, góc trời đã hừng sáng. Mấy con chim ăn đêm đang vội vã tung cánh bay về phía chân trời. Khóm cúc mờ ảo đung đưa với làn gió thu mát rượi. Thuỳ Vân vươn vai mỉm cười và nói to để đánh thức cả đội: “Nào, dậy chuẩn bị về với chồng con thôi các mụ ơi”!
Như con chim sơn ca dậy sớm, Thuỳ Vân ngân nga mấy câu hát trong bài “Thơ tình cuối mùa thu” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu để chào đón ban mai, chào đón nguồn năng lượng và cảm hứng mới. Cả đội bừng tỉnh theo tiếng hát, lịm người trong lời ca rồi các mụ xúc động cùng trải lòng hoà chung tiếng hát:
“Tình ta như hàng cây đã yên mùa bão gió
Tình ta như dòng sông đã yên ngày thác lũ
Thời gian như ngọn gió, mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi. Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại...”.
Tổng hợp nhiều nguồn
Người phụ nữ sinh khó. Vật vã mãi đến gần sáng, nhưng may cũng mẹ tròn con vuông. Hai vợ chồng ôm con, nhìn bà rơi nước mắt. Rồi được mời cơm. Toàn món chay nguội và thiế...
Hoa hậu Việt Nam 1992 Hà Kiều Anh vừa thực hiện bộ ảnh đặc biệt trong khung cảnh hùng vĩ của quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.
Câu danh ngôn này là một bài học sâu sắc về thái độ sống. Swindoll muốn chúng ta hiểu rằng, phần lớn cuộc sống của chúng ta được định hình bởi cách chúng ta phản ứng với ...
Trước thềm bán kết, ban tổ chức Miss Charm 2024 tung ảnh bikini của dàn thí sinh. Loạt mỹ nhân quốc tế đeo cánh thiên thần, diện thiết kế hai mảnh khoe đường cong bốc lửa...
Mỗi ngày 1 lời chúc
Phan Như Thảo nói ông xã - doanh nhân Đức An chưa từng ghen tuông, sẵn sàng làm hậu phương, ủng hộ vợ phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng.