Giá vàng tăng như "lên đồng" trong phiên đầu tuần mới. Vàng miếng SJC quay trở lại ngưỡng 84 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn cũng tăng vọt. Kỳ vọng giá vàng về 70 triệu đồng/lượng dường như xa vời?
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới 18/11, giá vàng miếng SJC tăng 500.000 đồng đến cả triệu đồng/lượng, lên 81 triệu đồng (mua vào) và 84 triệu đồng (bán ra). Giá vàng nhẫn tròn trơn của một số thương hiệu tăng thêm 1-1,1 triệu đồng/lượng, lên mức 83-83,3 triệu đồng/lượng (bán ra).
Cú sụt giảm đã chạm đáy?
Thị trường vàng thế giới đã có một đợt điều chỉnh giảm rất mạnh từ trước và sau khi Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ. Từ mức đỉnh cao lịch sử 2.789 USD/ounce hôm 30/10, giá vàng về mức 2.750 USD/ounce hôm 5/11, sau đó rơi tự do còn 2.540 USD/ounce hôm 14/11.
Một số dự báo trong tuần giữa tháng 11 đã đề cập tới khả năng giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế có thể giảm về dưới 2.500 USD, tương đương mức giảm 10% so với đỉnh. Thậm chí có ý kiến cho rằng kim loại quý còn có thể xuống 2.300 USD/ounce (quy đổi 71,4 triệu đồng/lượng), tương đương giảm hơn 17% do áp lực chốt lời, do sức ép từ bán khống dồn dập, từ một đồng USD mạnh lên dưới thời tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực suy giảm.
Dòng tiền đổ vào chứng khoán Mỹ, vào thị trường tiền số - trong đó có Bitcoin - với giá tăng vọt từ dưới 70.000 lên trên ngưỡng 90.000 USD/BTC... cũng là yếu tố kéo giá vàng từ đỉnh cao gần 2.800 USD lao dốc mạnh.
Tuy nhiên, cú tăng giá trở lại của vàng vào cuối tuần 11-15/11 và tăng vọt trong phiên đầu tuần mới (18/11), trái ngược với dự báo tiêu cực của một số chuyên gia phố Wall, cho thấy một tín hiệu về một thế giới hiện đại ngày càng bất định.
Nếu tính từ đỉnh xác lập hôm 30/10, trong vòng hơn hai tuần, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 245 USD mỗi ounce xuống gần 2.540 USD/ounce. Đây là một con số tuyệt đối khá lớn.
Còn tính theo tương đối, vàng quốc tế đã giảm gần 8,8% trong đợt điều chỉnh này.
Trước đó, giá vàng điều chỉnh giảm không nhiều, thường chỉ 5-7%. Mức điều chỉnh giảm 10-15% là rất ít, bởi xu hướng chung của vàng là tăng giá theo lạm phát trên thế giới.
Cú tăng giá mạnh trở lại của giá vàng trong phiên đầu tuần là tín hiệu cho thấy sức cầu bắt đáy đối với vàng là rất lớn. Điều này có khiến kỳ vọng giá vàng giảm sâu về 70 triệu đồng/lượng tan biến, làm vỡ giấc mộng của nhiều người?
Những yếu tố khiến giá vàng khó giảm về 70 triệu đồng
Vàng thế giới tăng mạnh trở lại trong bối cảnh đồng USD vẫn treo ở mức rất cao sau một đợt tăng mạnh với sự kiện ông Trump thắng cử. Chỉ số DXY tới tối 18/11 (giờ Việt Nam) ở mức 105,8 điểm, cao hơn so với mức 105,4 điểm tối 6/11 và 103,7 điểm tối 5/11.
Áp lực của một đồng USD lên cao đã không thể cản được cú tăng trở lại của vàng.
Vàng tăng giá sau khi Elon Musk - tỷ phú đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của ông Trump - và con cả ông Trump cảnh báo Thế chiến 3 đến gần sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa đánh vào đất Nga.
Vàng cũng được dự báo có thể tăng trở lại theo sức cầu từ các “tay to” trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, sau khi ngân hàng trung ương nước này ngừng mua vàng trong 6 tháng liên tiếp vì giá cao.
Vàng cũng được đánh giá sẽ được hưởng lợi từ mùa cao điểm tiêu thụ vàng ở châu Á, khi các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ bước vào mùa cưới và lễ hội cuối năm.
Gần đây, nhiều chuyên gia đưa ra dự báo cho rằng, vàng sẽ còn biến động mạnh và đối mặt với những đợt giảm mới, có thể xuống mức 2.400 USD/ounce, thậm chí 2.300 USD trước khi kết thúc năm 2024, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tín hiệu trì hoãn hạ lãi suất. Một đồng USD mạnh có thể gây áp lực lên vàng.
Tuy nhiên, chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng xác suất giá vàng hạ xuống mức thấp như thế là thấp. Khả năng vàng tăng giá có xác suất cao hơn.
Trước đó, chuyên gia này nhận định áp lực lên giá vàng có thể chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Nợ công, lạm phát và các chính sách thuế cực đoan của ông Donald Trump có khả năng đưa giá vàng trở lại mức cũ.
Trong năm 2025 và 2026, khi Fed hạ lãi suất sâu hơn nữa (qua đó đẩy đồng USD đi xuống) và những chính sách khó lường của ông Trump,... được cho là yếu tố hỗ trợ cho vàng. Nhưng ngược lại, nếu căng thẳng tại Ukraine và Trung Đông suy giảm, vàng sẽ bị bán mạnh.
Gần đây, nhiều tổ chức lớn như Goldman Sachs, chưa điều chỉnh dự báo giá vàng lên mức 3.000 USD/ounce trong năm 2025. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, với viễn cảnh như trên, mặt hàng kim loại quý có thể sẽ tăng nhưng khó chạm mức 3.000 USD.
Theo Vietnamnet