Bộ Nội vụ cho biết, hiện có hơn 7.000 viên chức tại các bộ ngành, địa phương sẽ được chuyển thành công chức. Bộ đang nghiên cứu phương án về chế độ công chức hợp đồng để đưa vào chính sách tổng thể với những trường hợp này.
Thông tin này được đưa ra tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình với Bộ Nội vụ vào hôm 16/9.
Làm việc như công chức nhưng hưởng lương viên chức
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết hiện nay Bộ đang gặp vướng mắc về biên chế với Cục Tần số Vô tuyến điện và Cục Viễn thông.
Hiện hai Cục này có nhiều viên chức đang làm công việc của công chức từ rất lâu. Vì vậy, Bộ mong trong thời gian tới, Phó Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sớm có cơ chế nào để chuyển những viên chức này thành công chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc này Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế để báo cáo chính thức với Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã giao Ban Tổ chức Trung ương có giải pháp để chuyển những viên chức này thành công chức.
“Không riêng gì Bộ TT-TT mà hiện cả nước có hơn 7.000 viên chức cần chuyển thành công chức. Trong đó có các Bộ: NN-PTNT, TT-TT, GTVT, KH-CN và các địa phương. Các cơ quan đang tiếp tục rà soát lại những trường hợp tương tự", Bộ trưởng Nội vụ cho hay.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho biết, thời gian qua có một số đơn vị vừa có chức năng quản lý, vừa có chức năng thu phí như: Bộ TT-TT có Cục Tần số Vô tuyến điện và Cục Viễn thông; Bộ GTVT có các cảng vụ, Cục Đăng kiểm, Cục Hàng không, Cục Hàng hải; Bộ NN-PTNT có Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật…
Trong quá trình xây dựng biên chế, các nhân sự ở các đơn vị này được xác định là viên chức nhưng thực chất, các cục này là cơ quan quản lý nhà nước thì phải là biên chế công chức. Theo quy định mới, tất cả những đơn vị này trở về cơ chế hoạt động như cơ quan quản lý nhà nước bình thường, không áp dụng như đơn vị sự nghiệp công lập.
“Nếu sau này các cục, vụ này không áp dụng cơ chế đặc thù nữa, không được theo cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập nữa thì không biết họ hưởng lương công chức hay viên chức? Đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm hỗ trợ việc này”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Rà soát để điều chỉnh một cách tổng thể
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long thông tin thêm, việc quản lý biên chế như phản ánh của các bộ ngành đã tồn tại một thời gian dài và có rất nhiều đơn vị có hàng nghìn người nhưng không được giao một biên chế công chức nào hoặc có những đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước và có nguồn thu.
“Bộ Nội vụ đã có rà soát tổng hợp và thấy rằng những vị trí đó đúng là phải giao biên chế công chức. Hiện, cả nước có hơn 7.000 viên chức đúng ra là phải giao biên chế công chức. Việc này đã được báo cáo Bộ Chính trị”, Thứ trưởng Nội vụ thông tin.
Theo ông Trương Hải Long, ngày 16/8 vừa qua, Bộ Chính trị đã có văn bản giao Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương rà soát tổng hợp số biên chế này để điều chỉnh một cách tổng thể.
“Nếu chuyển hơn 7.000 viên chức này sang công chức thì vấn đề đặt ra là sẽ ảnh hưởng đến việc tinh giản biên chế công chức (làm tăng biên chế công chức – PV) và có thể việc tinh giản biên chế công chức lâu nay trở về gần như hòa”, ông Long phân tích.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Nội vụ, cần tính đến phương án, các cơ quan hành chính có nguồn thu thì có thể áp dụng chế độ công chức hợp đồng. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu việc này để đưa vào chính sách tổng thể.
Theo Vietnamnet