Huệ biển

18/09/2024 20:00
1. Huệ ngước nhìn lên bầu trời đêm thăm thẳm, ánh mắt dõi theo những vì sao nhấp nháy liên hồi kéo dài mãi cho đến khi gặp biển ở phía chân trời.

Huệ reo lên trong lòng: “Chao ôi! Có cả một bầu trời trong lòng biển!”. Từ phía trời nước gặp nhau ấy, những con sóng lùa ánh sao đêm làm thành một mảng màu bàng bạc khổng lồ, lấp lánh, nhấp nhô, xô mãi vào bờ. Huệ cứ ngồi yên thế giữa bãi cát mênh mông trên chiếc xe lăn, khẽ bặm bờ môi, lặng lẽ nhấm nháp vị mặn mòi quen thuộc đã gắn bó với anh từ lúc anh chào đời. Huệ khẽ cúi đầu, hất mấy cộng tóc lòa xòa trước mắt ra sau, anh vươn vai rồi đưa hai tay lên miệng chụm lại thành hình chiếc loa và hét gọi: “Biển ơi!”. Cái xóm chài bé nhỏ, trên hòn đảo nhỏ, chơi vơi giữa biển khơi vô tận, đã quen với tiếng gọi vừa bất lực, vừa tha thiết ấy của Huệ mấy chục năm rồi. Ai cũng xót xa cho Huệ nhưng họ chỉ biết chép miệng, lắc đầu thương cảm vì họ không thể giúp Huệ trở về với biển.

Với Huệ mà nói, biển là nhà. Ở tuổi 15, 17, Huệ đã nổi danh cả làng chài về tài bơi lặn của mình. Anh như con rái cá, thoắt ẩn thoắt hiện trong lòng biển. Cha anh hồi ấy ở tuổi sáu mươi đã là một lão ngư “mình đồng da sắt”. Để nuôi đàn con năm, sáu thằng con trai đẻ cách nhau năm một đang tuổi ăn tuổi lớn, ông phải căng mình ra biển bất kể biển yên hay biển động để các con không bị đói. Huệ là con đầu, ngay từ nhỏ anh đã theo cha làm quen với biển để học cách đánh cá, câu mực, bắt hải sâm sao cho ngon ăn nhất.

Cứ thế, ở tuổi lên 10, anh đã rành rọt từng luồng nước giữa ngư trường đầy bất trắc trong cuộc mưu sinh cùng cha. Huệ thích nhất là những đêm không trăng và đầy sao như đêm nay. Thường thì cứ ăn cơm chiều xong, trời cũng vừa nhá nhem tối, cái giọng nói ồm ồm đơ cứng đặc trưng người vùng biển của cha anh đã hối: “Huệ, ra biển thôi con. Đêm nay chắc cá vô nhiều lắm!”. Nói xong, ông khoác chiếc áo đen đã bạc màu, may kiểu bà ba, đắp một miếng vá to bằng bàn tay trên bả vai trái, bước chân thoăn thoắt rồi mất hút vào con đường độc đạo ngoằn ngoèo trên đảo ra bến thuyền. Mẹ Huệ lẩm bẩm một câu bỏ lửng: “Ăn chưa kịp thở đã...”. Huệ hớp vội miếng nước lá rồi mặc mỗi chiếc quần đùi có dây rút ngang bụng, dài quá đầu gối, hai tay vừa buộc dây quần vừa lúp xúp chạy theo cha, hổn hển: “Cha! Chờ con với, còn sớm mà cha...”. Mặc kệ, ông lão cứ cắm mặt xuống mà đi. Cha là niềm tự hào của Huệ, vì cả làng chài ai cũng ngưỡng mộ và thán phục tài dự đoán thời tiết hay thời điểm đi về của những luồng cá theo mùa. Cứ theo ông, thể nào cũng mang về một mẻ cá lớn. Thế là Huệ quyết định nghỉ học khi hết bậc tiểu học để theo nghề chài lưới.

2. Huệ yêu sự tự do và phóng khoáng của biển. Nếu chỉ một ngày không được ra khơi là anh cảm thấy mình chơi vơi, không trọng lượng. Tuổi hai mươi, Huệ đã là một ngư phủ giàu kinh nghiệm. Nắng gió biển khơi đã khiến da anh đen bóng, ngực vạm vỡ. Bạn đồng trang lứa trong xóm chài tôn vinh Huệ là “hải mã soái ca” vì sự mạnh mẽ, quyết đoán và gan lì của anh mỗi lần đi biển. Huệ ít nói, mỗi lần nghe ai gọi mình bằng cái cụm từ đó anh chỉ cười và đưa ngón tay trỏ lên ra hiệu cảm ơn. Là con trai cả, với người làng biển, tuổi hai mươi lấy vợ sinh con nối nghiệp là lẽ thường. Vậy nên, cha mẹ hối anh mỗi ngày và có ý chọn cho anh một cô ưng ý. Huệ không phản đối nhưng anh bảo: “Cha mẹ cứ từ từ đã, con còn lâu mới ế!”. Huệ biết anh ham biển lắm, anh sợ làm buồn lòng người con gái sẽ làm vợ anh, vả lại mới hai mươi thôi mà.

Huệ có thể đặt biển trong lòng bàn tay để tính toán đường đi nước bước nhưng anh lại không thể lường trước được những rủi ro của đời mình. Tai họa ập xuống trong một lần Huệ lặn biển đánh bắt hải sâm, loài sinh vật biển sống ở độ sâu trên dưới bảy mươi mét so với mặt nước biển. Oan nghiệt là ở chỗ, biển cho anh thật nhiều nhưng bỗng chốc lại lấy đi của anh tất cả. Đêm ấy, sau khi lặn xuống và tóm được một chú hải sâm dễ chừng bốn, năm kílôgam, anh hưng phấn lạ. Thay vì đu theo dây của người trên thuyền chừng bốn mươi mét dừng lại để từ từ lấy cân bằng lực áp suất trước khi ngoi lên mặt nước thì cậy sức trẻ, Huệ vọt một hơi lên và anh đã bị tai biến.

Kể từ cái đêm định mệnh ấy, đôi chân Huệ liệt hẳn, teo dần và mất hết cảm giác. Từ một thanh niên cường tráng, sau thời gian điều trị ở các bệnh viện lớn nhỏ, Huệ trở về xóm chài nơi đảo nhỏ với đôi chân bất động. Chấm dứt hành trình chinh phục biển khơi, Huệ rơi vào trầm cảm, bắt đầu một chuỗi ngày dài chán nản, bi quan khi phải loanh quanh trong bốn bức tường và niềm vui duy nhất của anh là được vuốt bộ lông đen mượt của con chó Mực. Huệ thèm được ra biển, thèm được vẫy vùng giữa những con sóng bạc đầu, thèm những đêm thức trắng câu mực, nhất là đánh bắt hải sâm, đôi lúc anh muốn kết thúc cuộc sống vô nghĩa của mình ngay lập tức. Nhưng nhìn người cha đã quá lục tuần không một lời than vãn vì gánh nặng gia đình, nhìn mẹ tóc ngày một bạc thêm vì cuộc sống quá lam lũ vẫn nở nụ cười động viên anh mỗi khi thức dậy, nhìn mấy đứa em đang từng ngày khôn lớn theo cha đi biển, Huệ chẳng thể nhẫn tâm với họ. “Con đan chỗ lưới này cho cha, lưới nhà mình cũ rách quá rồi...”, “Ở nhà quết thêm dầu rái vào đáy chiếc thuyền thúng giùm cha nghe...”, cha giao việc cho anh mỗi ngày. Huệ ngộ ra, anh vẫn còn có ích, anh còn có đôi tay mà, anh suy nghĩ tích cực hơn và dần lấy lại thăng bằng.

Những câu chuyện về biển, về cá, về tất tần tật những gì diễn ra trên đảo nhỏ rôm rả trong mỗi bữa cơm gia đình đã khiến Huệ dần hồi sinh trở lại. Sóng dường như đã lặng trong anh. Mỗi khi Huệ đan lưới, con Mực hoặc đi quanh anh, phe phẩy cái đuôi dài điệu nghệ hoặc nằm phủ phục trước mặt anh, ngước đôi mắt long lanh ươn ướt nhìn chăm chăm đôi tay cậu chủ. Huệ nhìn nó vỗ về: “Mày đừng bỏ tao nghe”.

3. Đồn biên phòng trên đảo cách nhà Huệ không xa. Đảo nhỏ nhưng lại là một gia đình lớn. Thấy hoàn cảnh trớ trêu của chàng trai luôn coi biển là nhà ấy, mấy anh em trong đồn đã trích một phần lương của mình về đất liền mua tặng Huệ một chiếc xe lăn. Ngày Huệ nhận xe, cả đảo ăn mừng bằng một mẻ cá nướng vừa vớt từ biển lên, trên bãi cát nối liền chân sóng, ai cũng vui vì Huệ đã có đôi chân mới để anh có thể tự mình ra biển mỗi khi nhớ biển. Huệ rưng rưng nắm chặt tay anh Phan đồn trưởng, nhìn về phía biển, cảm thấy vững tin hơn khi nghĩ đến ngày mai. Chỉ mất mấy ngày, đôi tay nổi cuộn cơ bắp của chàng rái cá ngày nào đã điều khiển hai bánh xe lăn khá thuần thục.

Cứ sáng sớm, khi mặt trời phủ vàng mặt biển và lúc hoàng hôn, khi mặt trời chạm dần mặt biển, theo con đường độc đạo, Huệ dừng trước bãi đá đen, ngồi trên xe ngắm biển từ xa vì Huệ chưa thể đẩy xe lăn trên cát, con Mực quẫy quẫy đuôi chạy theo sau. Huệ hít một hơi thật sâu vị nồng nồng của gió, mỗi lần như thế lòng Huệ nôn nao khó tả, Huệ muốn chạm tay vào cát, muốn vốc nước biển hất lên mặt mình để cảm nhận rõ hơn mùi vị biển. Tiếng tru của con Mực hòa với tiếng sóng biển làm thành một bản hòa ca rộn rã tận sâu, thật sâu trong tâm hồn Huệ. Anh mỉm cười, giang vòng tay rộng rãi của mình ôm con Mực vào lòng, dụi mặt vào mớ lông cổ đen mượt của nó như một đứa trẻ. Rồi, con Mực cũng bỏ anh mà đi. Huệ tự nhủ: “Phải tập tự đẩy xe trên cát thôi. Mực ơi, tao sẽ cố vì mày. Nhớ cổ vũ tao nghe!”. Và, Huệ đã làm được.

4. Cuộc sống của Huệ cũng thay đổi từ khi có nhiều người đến đảo tham quan. Cha sắm cho anh một chiếc xe tuk tuk với ba dãy ghế ngồi để tự mưu sinh. Anh là một tài xế đặc biệt, chỉ biết lái xe và ngồi trên xe kể cả khi đón và trả khách. Du khách chưa bao giờ thấy Huệ bước xuống xe đon đả mời khách mà chỉ hướng về khách bằng một nụ cười thật hiền. Nhiều người thắc mắc nhưng qua câu chuyện của người dân trên đảo, hiểu rõ hoàn cảnh của anh thì họ đều nhiệt tình ủng hộ Huệ, những người làm dịch vụ xe tuk tuk trên đảo cũng luôn dành ưu ái cho anh. Dường như mọi người đều không muống anh chạnh lòng. Huệ hiểu điều đó và anh thầm cảm ơn cuộc đời đã bù đắp cho anh. Biển vẫn xanh, sóng vẫn ôm ru bờ cát. Tiếng hát của các cô gái trên chuyến xe muộn chiều nay dường như vẫn đọng lại và văng vẳng bên tai Huệ.

Huệ không có hạnh phúc riêng tư nhưng anh đã tự mở ra cho cả mình một thế giới hạnh phúc rộng lớn mỗi khi về với biển. Đêm nay, biển lặng, biển đón anh bằng những làn gió mát lành và cả một bầu trời sao lóng lánh trong lòng đại dương bất tận. Trên đường trở về nhà, Huệ không vội, anh ghé lại ngồi một lúc dưới tán cây phong ba độc đinh trên đảo, anh như thâu cả không gian thăm thẳm nơi trời nước gặp nhau vào đáy mắt mình. “Chẳng có con đường cùng, nếu chúng ta dám đi về phía trước!”, Huệ nghĩ thế. Và, ở nơi đảo nhỏ, đã mấy chục năm rồi, giữa mênh mông sóng nước ấy, có một bông hoa “Huệ biển”, mặc cho bão tố phong ba giáng xuống cuộc đời mình, vẫn dành cho biển một tình yêu vô điều kiện...

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Trần Thu Hà

Tin xem thêm

Yến Tatoo ‘Cứ thế rời xa’ xin lỗi vì ‘phông bạt’ tiền ủng hộ lũ lụt

Giải Trí
19/09/2024 08

Yến Tatoo lên tiếng xin lỗi vì đã "fake màn hình" số tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt khiến mọi người hiểu nhầm con số lên tới hàng trăm triệu đồng.

Truyện cười: Chính xác

Giải Trí
19/09/2024 06

Huệ biển

Giải Trí
18/09/2024 20

1. Huệ ngước nhìn lên bầu trời đêm thăm thẳm, ánh mắt dõi theo những vì sao nhấp nháy liên hồi kéo dài mãi cho đến khi gặp biển ở phía chân trời.

‘MC của các cuộc thi hoa hậu’ bật mí mối quan hệ với hoa hậu Ngọc Châu

Giải Trí
18/09/2024 08

Ít ai biết, hoa hậu Ngọc Châu từng đến dự một lớp học MC do Vũ Mạnh Cường giảng dạy.

Truyện cười: Chịu đau giỏi

Giải Trí
18/09/2024 06

Truyện cười: Chuyện ngắn nhất và đau nhất

Giải Trí
17/09/2024 06

Hai phóng viên thuê chung một phòng đôi ở tầng 99 của khách sạn.

Brad Pitt mặc cực trẻ trung, công khai nắm tay bạn gái kém 27 tuổi trên phố

Giải Trí
16/09/2024 08

Sau màn ra mắt ấn tượng tại LHP Venice, Brad Pitt và bạn gái kém 27 tuổi - Ines de Ramon liên tục xuất hiện cùng nhau trên đường phố New York, Mỹ những ngày qua.

Cute text: Bi hài kịch

Giải Trí
16/09/2024 08

Truyện cười: Có biết không?

Giải Trí
16/09/2024 06

Đường vắng, xe Dream II đang chạy bon bon thì một chiếc Babetta phóng vọt lên, tay lái xe nghênh nghênh đầu nói:

Mỹ Tâm, vợ chồng Lý Hải cùng dàn sao khẩn cấp hỗ trợ bà con vùng lũ

Giải Trí
15/09/2024 08

Sao Việt ở các lĩnh vực như Lý Hải, Thùy Tiên, MC Minh Trang... nhanh chóng kêu gọi ứng cứu, chuyển tiền hỗ trợ và có hành động thiết thực để chung tay giúp đỡ bà con ở c...