Ở làng nọ, có một cây táo vừa cao vừa lớn, quanh năm cây lá xanh tươi, quả sai trĩu trịt. Cây táo mọc ngay đầu làng, suốt bao nhiêu năm nay đã trở thành nơi che mưa cho nắng cho dân làng. Tụi trẻ con cũng hay kéo nhau ra đây chơi trốn tìm.
Có những đêm trăng sáng, giữa ánh trăng vằng vặc mênh mang, bọn trẻ đuổi nhau quanh gốc cây, tiếng cười giòn tan vang trong không trung thăm thẳm. Cây táo cổ thụ lại mỉm cười nhìn chúng hạnh phúc. Những chiếc lá vui vẻ đu đưa như đang cất tiếng hát nhè nhẹ.
Một cậu bé ở trong làng rất thân thiết với cây táo, hàng ngày đều chạy ra gốc cây chơi thơ thẩn một mình. Đến mùa hoa táo, cậu nhặt những bông hoa trắng muốt nhỏ li ti, rồi xếp hình trái tim, hình cái kính và ông mặt trời. Chơi chán cậu lại leo lên chạc cây gần mặt đất, ngồi vắt vẻo trên đó. Cậu tưởng tượng như mình đang chuẩn bị bay thẳng lên cung trăng chơi với chị Hằng và chú Cuội vậy.
Có những khi mệt lả, cậu lại ngủ luôn trên những chạc cây. Cậu thích nhất là những lúc trời nắng nóng oi bức được ngồi dưới tán cây mát mẻ. Cây táo mỉm cười hạnh phúc nhìn cậu bé, ôm trọn cậu vào giữa những tán cây của mình. Cậu bé leo lên cây, chọn những trái chín mọng, đỏ ươm, vừa ăn vừa cười tít cả mắt.
Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nối đuôi nhau, mọi người trong làng cũng đã quen với cảnh cậu bé suốt ngày quanh quẩn bên cây táo. Cậu rất yêu cây táo, có những lúc mẹ gọi về ăn cơm, gọi tới 3, 4 lần mới kéo được cậu về nhà.
Mẹ nhìn cậu cười xòa nói: “Thân nhau nhỉ? Tối cho ngủ luôn trên cây với bầy dơi nhé”.
Cây táo cũng rất yêu mến và thích chơi với cậu.
Về sau lớn lên, cậu bé bắt đầu bận rộn với bài vở và hò hẹn với bè bạn, không còn thói quen hàng ngày tới chơi đùa với cây táo nữa. Thi thoảng thấy bóng cậu đi ngang qua, cây táo mừng lắm, những tán cây như muốn vươn tới, sà vào lòng cậu bé.
Một hôm, cậu lại tới chỗ cây táo, cây táo buồn buồn, nói muốn chơi đùa với cậu. Cậu nói: “Không được, tớ không còn nhỏ nữa, không thể chơi với bạn được nữa. Tớ muốn chơi ô tô với tàu thủy điều khiển từ xa cơ, nhưng tớ lại không có tiền mua”.
Cây táo nói: “Thật là tiếc, tôi cũng không có tiền cho cậu. Nhưng nhìn này, những trái táo trên thân tôi trông rất đẹp mắt, lại ngon miệng nữa. Cậu hãy hái hết quả trên cây của tôi mang đi bán, chẳng phải cậu sẽ có tiền rồi hay sao?”.
Cậu bé vô cùng cảm kích, hái tất cả trái táo trên cây xuống, vẻ mặt hớn hở, cậu nhảy chân sáo rời đi.
Sau đó, rất lâu sau cậu bé cũng không trở lại. Cây táo đứng một mình giữa không gian vắng lặng, hồi tưởng lại khuôn mặt đáng yêu của cậu rồi thở dài. Cây táo lặng lẽ đứng im phăng phắc, chẳng buồn nhúc nhích lấy một cái lá, cứ đau đáu nhìn về con đường làng nhỏ quanh co dẫn đến nhà cậu bé.
Một hôm, cuối cùng thì cậu bé cũng đến. Nhưng không còn là cậu bé ngày xưa với khuôn mặt bầu bĩnh nữa. Giờ cậu đã là một chàng thanh niên cao lớn. Nhưng trong lòng cây táo, cậu vẫn là cậu bé ngày nào. Cây táo quá đỗi vui mừng, sà tán cây xuống vuốt ve khuôn mặt cậu, vẻ mời mọc cậu bé cùng chơi với mình.
Cậu nói: “Không được, tôi không có thời gian chơi với bạn được đâu. Tôi bận lắm. Tôi chuẩn bị lấy vợ đấy. Nhưng nhà tôi nhiều chỗ bị mục nát hết rồi, chúng tôi cần một ngôi nhà mới, sau này còn đón bọn trẻ ra đời nữa. Bạn có thể giúp tôi không?”.
“Tôi không có nhà”, cây táo nói. “Nhưng, cậu có thể chặt hết cành cây của tôi xuống để đóng lấy một cái nhà. Cậu sẽ không phải lo lắng cho vợ con mình nữa”.
Thế là cậu thanh niên chặt hết cành cây xuống, vui vẻ chở về dựng nhà. Nhìn thấy cậu thanh niên vui vẻ, cây táo cũng hớn hở ra mặt. Mặc dù trên thân cây táo thi thoảng lại ứa ra những vết nhựa đùng đục, lâu lâu chuyển thành màu vàng vàng. Có lẽ phải mất một thời gian thật lâu những vết nhựa ấy mới khô đi, cây táo mới không bị bứt rứt vì cơn đau đớn gặm nhấm.
Nhưng từ đó không thấy cậu thanh niên đến thăm cây táo nữa. Giờ cây táo không còn cành lá xum xuê như trước. Những trái táo mới ra cũng còi cọc, không còn mọng nước và ngọt lịm. Người dân trong làng cũng không dừng chân trò chuyện dưới gốc cây táo cành lá xác xơ nữa.
Cây táo cứ đứng một mình lẻ bóng và ủ rũ suốt ngày này qua ngày khác, suốt tháng này qua tháng khác, suốt năm này qua năm khác. Cây táo lại chìm vào sự cô đơn và nỗi bi thương da diết vì mong nhớ “cậu bé”.
Một mùa hè nọ, cậu thanh niên đã trở về! Cây đại thụ quá đỗi vui mừng nói: “Lại đây chơi với tôi nào. Cậu đi đâu mà giờ mới về, tôi nhớ cậu lắm đó, cậu có biết không?”.
Cậu thanh niên giờ đã bước sang tuổi 30, một vài nếp nhăn vì lo toan cho cuộc sống đã in hằn trên trán cậu. Cậu nói: “Bây giờ tâm trạng tôi không được vui, mỗi ngày tôi lại già đi. Mà tôi thì muốn căng buồm ra khơi, muốn tìm một góc trời bình yên để có thể thư giãn một chút. Bạn có thể cho tôi một con thuyền không?”.
Cây táo nhìn lại thân xác tàn tạ của mình, chẳng còn gì ngoài vài cành cây to. Cây táo âu yếm nhìn cậu nói: “Hãy chặt những cành to của tôi đi mang đi làm thành một cái thuyền! Cậu sẽ được thỏa nguyện”.
Thế là cậu đốn hạ những cành to của cây đại thụ xuống để làm thành một chiếc thuyền gỗ chắc chắn. Trước khi rời đi cậu ôm chầm lấy cái thân cây trơ trọi, mắt cậu ươn ướt. Cây táo chỉ mỉm cười hiền từ với cậu, ánh mắt đau đáu dõi theo cho tới khi bóng cậu khuất hẳn...
Lần này cây táo không còn sung sức như trước nữa. Cái thân cây cô độc trơ trọi như muốn oằn mình xuống. Trên thân cây đã thêm những lớp vỏ xù xì, thô ráp. Cây táo biết mình đã già thật rồi, không biết có thể tiếp tục chờ đợi “cậu bé” trở về không nữa. Những giọt nhựa cây to như giọt nước mắt nhỏ xuống thân và gốc cây. Cây táo đau đớn vì phải lìa xa một phần thân thể của mình thì ít mà vì xa “cậu bé” thì nhiều.
Cậu thanh niên vui vẻ giong buồm ra khơi thực hiện hoài bão của mình. Cậu cũng không nghĩ quá nhiều về cây táo. Không biết bao nhiêu cái xuân, hạ, thu, đông nối gót nhau qua đi như cuốn tranh bốn mùa lần giở hết trang này tới trang khác. Chẳng biết đã bao lâu rồi cây táo không được thấy khuôn mặt cậu.
Có những hôm trái gió trở trời, cây táo trông lại càng xác xơ, gầy guộc hơn trước. Thân cây táo dần dần bị bầy mối ăn mục ruỗng, người ta phải chặt cả thân cây táo đi, chỉ còn để trơ lại cái gốc cây xù xì.
Mấy chục năm sau, cuối cùng thì cậu thanh niên cũng quay về thăm cây táo. Nhưng giờ cậu đã là một ông lão tóc bạc, cái lưng cũng không còn thẳng như trước.
Cây táo nhìn thấy cậu vui như nắng hạn gặp mưa rào nhưng bất chợt buồn bã vì mình chỉ còn trơ cái gốc. Cây táo nói: “Xin lỗi cậu nhé. Tôi đã không còn gì cho cậu nữa rồi, quả của tôi cũng hết rồi”.
Ông lão nói: “Răng của tôi đã rụng hết, không thể ăn được trái cây nữa rồi”.
Cây táo lại nói: “Tôi cũng không còn cành to để cậu leo lên nữa”.
Ông lão lại nói: “Tôi già rồi, không leo nổi nữa đâu”.
“Thân của tôi đã bị mối ăn mục ruỗng hết, người dân trong làng cũng đẵn đi rồi. Tôi chẳng còn thứ gì có thể cho cậu được nữa... Chỉ còn lại mỗi cái rễ già khô này thôi”. Trên khuôn mặt nhăn nheo của cây táo đã ngân ngấn những giọt nước mắt.
Ông lão nói: “Đã bao năm trôi qua, bây giờ tôi cũng đã thấm mệt. Tôi chẳng còn thiết tha gì nữa. Tôi chỉ muốn có một nơi để nghỉ ngơi thôi”.
Cây táo reo lên vui mừng:
“Được, vậy thì cái rễ già của tôi thích hợp nhất cho cậu nghỉ ngơi rồi, hãy ngồi xuống và nhắm mắt lại, tôi sẽ ru cho cậu ngủ nhé!”.
Ông lão ngồi xuống, cây đại thụ vui mừng rớt nước mắt... Bao nhiêu ký ức lại ùa về. Nhớ những ngày đầu, khi ấy ông lão bây giờ chỉ là một cậu bé lon ton xếp hình trái tim dưới gốc cây, đến khi cậu có một mái ấm của riêng mình, rồi lại bay cao bay xa nơi chân trời góc biển. Giờ này cậu lại trở về bên cây táo.
Với cây táo, đó đã là điều quá mãn nguyện rồi, là hạnh phúc tuyệt vời nhất rồi. Cây táo hạnh phúc vì mình đã làm tất cả những gì có thể, chỉ cần cậu bé vui là được. Dẫu sức tàn lực kiệt, cây táo vẫn thấy hạnh phúc lâng lâng khi lại được dang tay ôm “cậu bé” vào lòng, lắng nghe hơi thở và vuốt ve cậu...
***
Cây táo và cậu bé trong câu chuyện trên là một ẩn dụ rất sâu sắc. Bạn có từng nghĩ rằng phải chăng cây táo ấy chính là hình ảnh của cha mẹ, còn cậu bé kia chính là chúng ta?
Ngày nhỏ, chúng ta thích chơi đùa với cha mẹ. Sau khi lớn lên, có những người bạn mới rồi có người yêu, rồi có vợ. Ta lại rời xa cha mẹ để theo đuổi hạnh phúc và sự nghiệp của riêng mình. Chỉ đến khi gặp chuyện buồn đau, phiền phức, muốn tìm một bến đỗ bình yên sau tháng ngày mỏi mệt, chúng ta mới quay về bên họ.
Nhưng dẫu ta đối xử với cha mẹ thế nào thì cha mẹ cũng vẫn mãi mãi ở đó, mòn mỏi chờ đợi bóng dáng của ta. Cha mẹ dốc cạn mọi thứ chỉ để được nhìn thấy nụ cười mãn nguyện trên khuôn mặt chúng ta. Có thể bạn cho rằng cậu bé thật tàn nhẫn với cây đại thụ, nhưng trớ trêu rằng đó lại là cách mà rất nhiều người chúng ta đang đối đãi với cha mẹ mình.
Xin hãy trân quý thời gian được ở cùng cha mẹ, bởi vì: “Mẹ già như chuối chín cây, biết ngày nào rụng, biết ngày nào rơi!”.
Thời gian vẫn cứ trôi đi mang thêm những nếp nhăn trên gương mặt cha mẹ, lấy đi sức sống trên dáng hình của cha mẹ. Một sớm mai, ngoảnh nhìn trong gương, tóc đã bạc đi mấy phần, da đã điểm vết đồi mồi.
Rồi đến một ngày thời gian cũng đón cha mẹ tới một thế giới khác. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi mà cha mẹ chẳng đợi. Ân hận lớn nhất đời này của chúng ta chính là chưa bao giờ kịp nói một lời yêu thương với những đấng sinh thành...
Tổng hợp nhiều nguồn
Hoa hậu Hương Giang, Khánh Vân, Thùy Tiên, H'hen Niê… là những cái tên được yêu thích nhất với hàng triệu người theo dõi và mức độ tương tác cao đáng ngưỡng mộ trong năm ...
Câu danh ngôn này đến từ Jimmy Dean, một ca sĩ và diễn viên nổi tiếng. Dean muốn chúng ta nhận ra rằng, dù không thể kiểm soát mọi yếu tố bên ngoài, chúng ta vẫn có khả n...
Biểu cảm buồn bã, bất ngờ của á hậu Hải Lam trong khoảnh khắc công bố kết quả Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long khiến cô nhận ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.
Việc người đẹp Diệp Lâm Anh ngồi cạnh chồng cũ tại sự kiện gây tranh cãi, ban tổ chức lên tiếng.
Tèo vừa tan làm thì nhận được tin nhắn của bạn gái:
Người phụ nữ sinh khó. Vật vã mãi đến gần sáng, nhưng may cũng mẹ tròn con vuông. Hai vợ chồng ôm con, nhìn bà rơi nước mắt. Rồi được mời cơm. Toàn món chay nguội và thiế...