Mẹ vắng nhà

30/11/2024 20:00
Sáng nay chị đi từ chợ về nhà xách theo mớ cua đồng để nấu món bún riêu.

Hai đứa trẻ nhìn tô bún bốc hơi trước mặt nuốt nước bọt bởi mùi thơm béo ngậy của gạch cua. Nhưng chúng không vội ăn vì còn mải để ý từng cử chỉ của mẹ mình. Chúng nhìn từ đầu xuống chân. Nhìn từ mái tóc đến cái móng tay của mẹ xem có gì đổi khác. Lúc mẹ đứng gần, Bống còn hít hà mùi hương trên người mẹ. Chẳng có gì khác cả, mẹ vẫn dịu dàng và lặng lẽ thế thôi. Chỉ có điều đêm qua mẹ không về nhà.

Nửa đêm Bống gặp ác mộng chạy sang phòng bên tìm mẹ mà không thấy đâu. Chăn gối gọn gàng phẳng phiu. Bức tranh cánh đồng hoa thêu dở dang mẹ để trên bàn. Những bông hoa bưởi hình như đã cạn mùi hương. Bống trở về phòng sau khi đi một vòng quanh nhà mà mọi thứ vẫn tối đen im ắng. Gần sáng bé Na ho từng cơn khản cổ, vừa ho vừa khóc vẫn không thấy mẹ đâu. Chỉ có bác giúp việc chạy sang tìm dầu xoa cho Na. Đến sáng mẹ mới về để bận rộn với căn bếp nhỏ. Nó định hỏi đêm qua mẹ đi đâu nhưng nhìn môi mẹ cười nó không nỡ hỏi. Lúc ngồi ăn bún riêu cua Na định kể về cơn ho đêm qua nhưng may Bống ngăn lại. Mẹ đang đứng rửa cà chua, xà lách và những trái dưa leo. Tóc mẹ búi cao, những ngón tay búp măng dịu dàng. Bống thích nhìn hình ảnh này của mẹ mỗi ngày. Thích cách mẹ mang cả thế giới sắc màu sinh động về căn bếp nhỏ. Mười ba tuổi, Bống thường ngắm mẹ mỗi ngày và ước ao sau này cũng sẽ sống cuộc đời như mẹ.

Trong mắt Bống mẹ là người phụ nữ bình yên. Từ mái tóc, nụ cười, dáng dấp đến ánh mắt không bao giờ biết tức giận ai. Mẹ như bông hoa hồng nở ngoài vườn, như cơn mưa phùn mùa xuân dịu nhẹ. Mẹ ít nói và chỉ nói lời thương. Không bao giờ mẹ la mắng ai, kể cả bác giúp việc già đãng trí và hay làm rơi vỡ đồ đạc trong nhà. Bé Na bảo con chó, con mèo được sống trong nhà mẹ cũng sướng. Bởi nếu có lỡ xé rách gối, đùa nghịch gẫy cây cối trong vườn cũng không bị đánh đòn.

Mẹ chỉ nghiêm mặt dặn chúng như nhắc nhở một đứa trẻ hư: “Lần sau không được phá vậy nữa. Nghe không?”. Vậy nên chúng quấn quýt mẹ suốt ngày. Con mèo nhỏ có đôi mắt màu tro thường nhảy lên đống quần áo mẹ đang gập nằm lim dim ngủ. Bộ váy mẹ mới mua còn chưa kịp mặc đi dự sinh nhật nó đã rũ đầy lông lên đấy. Con chó vàng thì nghịch khỏi nói. Dép mẹ đi trong nhà sáng nào nó cũng mang đi giấu trong gầm giường, gầm tủ. Dây buộc tóc của mẹ thường tìm thấy ngoài vườn dưới những bụi cây. Chúng đáng yêu và phiền phức phát khiếp. Nhưng chúng chỉ dám sống hồn nhiên trong thế giới của mẹ. Tuyệt nhiên không bao giờ dám động vào đồ đạc của bố, người đàn ông cáu kỉnh nhất trong nhà.


Minh họa: Võ Văn

Bố không bao giờ ăn chung bữa sáng với cả nhà. Bố thường rời nhà đi rất sớm. Nhiều hôm Bống nằm lười trên giường nghe thấy những bước chân lạnh nhạt của bố đi qua những lời thiết tha của mẹ. Hờ hững với màu sắc và mùi vị của những món ăn. “Anh bận. Sẽ tranh thủ ăn cùng đối tác để tiện bàn công việc”. Ngày nào bố cũng nói thế, đều đặn và vô hồn như một cỗ máy. Vậy mà mẹ vẫn kiên nhẫn mỉm cười. Bống từng hỏi mẹ sống với người khô khan như bố có chán không? Mẹ cười bảo “khô như bánh mì mà vẫn có vị ngon của nó”.

Chị em Bống thì thường nhìn bố từ xa. Không phải người xa lạ nhưng cũng không cách nào gần gũi. Bố không thích vui đùa, không nói những lời hài hước. Bố đứng ngoài mọi cuộc vui trong gia đình. Chị em Bống chạy đùa lỡ gặp bố ở cầu thang cũng phải dừng lại nép mình chờ bố đi qua. Phòng làm việc của bố luôn đóng kín và bất khả xâm phạm. Bố không thích bị người khác làm phiền. Bà giúp việc muốn dọn dẹp căn phòng ấy cũng phải lựa lúc bố không có nhà. Bố thường nói “thời gian của bố là tiền bạc” mỗi khi bé Na đòi chở đi công viên, nhờ giải hộ bài toán, rủ cùng nhau chơi trò “tiệc ngủ”. Bé Na từng phụng phịu với mẹ “bố cứ như người lạ trong nhà”.

Đấy là hôm mẹ ốm, nằm li bì trên giường suốt một ngày dài. Mẹ không ăn được gì ngay cả vài thìa cháo loãng. Trong cơn sốt miên man mẹ gọi tên bố suốt. Bống gọi điện nhưng bố không nghe máy, chỉ có tin nhắn phản hồi nhanh “Xin lỗi. Tôi đang bận họp”. Đến khuya bố mới về, người nồng mùi rượu. Bước vào phòng, bố đổ gục xuống giường nằm ngáy khò khò. Mẹ lạnh, đòi đắp thêm chăn.

- Hôm qua mẹ ốm bố có biết không?

- Bố say quá. Nửa đêm tỉnh giấc thấy toàn mùi dầu gió váng vất khắp phòng.

- Bố lại cằn nhằn mẹ đúng không?

- Bố cũng không nhớ nữa. Say mà.

Bé Na ngoẹo đầu nhìn theo dáng bố đi khuất khỏi cổng nhà rồi quay sang nói với chị: “Bố lạ lắm. Không giống như bố của những bạn khác. Các bạn hay được bố đến trường đón về. Được bố cùng chơi tô màu, chơi xếp hình. Em đến chơi nhà các bạn đều thấy những ông bố hay cười và biết hôn lên tóc các con”. Bống không nói chỉ vì mải nhìn căn bếp đang trở nên lạnh lẽo khi mẹ ốm.

* * *

Tối qua chị không về nhà. Sau giờ làm chị đi thẳng đến nhà bạn. Có một buổi tiệc nho nhỏ chia tay đời độc thân mừng đứa bạn cuối cùng thoát ế. Chị lẽ ra đã từ chối bữa tiệc này để chen lấn trong chợ tìm mua con cá thật tươi về nấu với me chua. Hai đứa nhỏ thích món đó. Nếu gặp may sẽ mua được mớ tép đồng về kho tương cho chồng. Kho thật mục ăn với cơm tám thơm. Tâm trí chị quẩn quanh bên căn bếp nhưng trái tim chị muốn đi hoang một buổi. Chẳng phải vì bức bí, ngột ngạt. Cũng đâu vì ham vui. Bởi khi đó lòng chị heo hút và lạnh lẽo. Chị chỉ muốn biết nếu đêm nay không thấy mình về nhà thì liệu chồng có hốt hoảng hay không? Có điện thoại khắp nơi? Có lao ra giữa đường kiếm tìm? Có phút giây nào lo sợ và ân hận? Người đàn ông mà chị gọi là chồng đã đánh mất thói quen tha thiết với gia đình.

Tham vọng đã biến anh thành người đàn ông khác. Chị từng nghĩ có thể vì bữa cơm mình nấu không ngon. Bộ váy ngủ mình mặc chưa đủ quyến rũ. Loại nước hoa mình dùng chẳng đủ si mê. Nên chị ra sức học nấu ăn để hiểu cách đánh thức từng hương vị. Chị cũng từng nhiều đêm chờ chồng về bằng váy áo dịu dàng. Nhưng chồng chị chẳng mảy may để ý. Anh hờ hững như thể mọi thứ xung quanh chẳng có nghĩa lý gì.

Nhưng chị thì thương chồng. Bữa cơm nào anh cũng cắm cúi ăn bằng tâm trí bộn bề. Ăn như thể đủ no để có sức vật lộn với công việc suốt một ngày dài. Đâu quan tâm ngon hay không? Làm sao biết chị đã nêm nếm vào món ăn thứ gia vị yêu thương chiu chắt. Căn bếp gọn gàng và luôn có hoa tươi. Mùi thảo mộc giúp cho đầu óc anh thư thái. Nhưng anh thường không nán lại trong bếp lâu. May còn có các con háo hức chờ từng bữa cơm mẹ nấu. Nụ cười của chúng xoa dịu đi nỗi bất an trong chị. Không cần người thứ ba, không có chuyện ngoại tình, cũng không cánh cửa nào vẫy gọi. Cuộc mưu sinh khắc nghiệt đâu chỉ cướp người đàn ông của chị. Còn biết bao người chồng, người cha khác cũng như anh, quên mất đâu mới là hạnh phúc. Nên mỗi lần nghe các con thắc mắc “tại sao bố phải luôn cáu kỉnh?”, chị không biết phải giải thích thế nào để chúng đỡ tổn thương.

Chị không về nhà. Sau khi gọi điện dặn bác giúp việc chăm sóc lũ trẻ và mấy con vật nuôi trong nhà, chị mượn rượu vui bên cạnh bạn bè. Nếu không có rượu rất có thể chị sẽ bồn chồn đến phát điên. Chị thèm được cảm giác chồng thấy mình hiện hữu. Chị sợ nếu cứ sống như vậy đến một ngày nào đó anh trở về nhà mà quên mất sự tồn tại của chị. Mà thật ra anh vẫn thường như thế đấy thôi. Ngay cả khi đau ốm chị mòn mỏi nằm mong tiếng bước chân anh về thì đáp lại cũng vẫn là sự hờ hững như thường nhật. Chị có đòi hỏi gì nhiều đâu. Chỉ cần anh dừng lại nhìn chị thật lâu, hỏi chị đau ở đâu? Có muốn ăn gì không anh nấu? Những điều bình dị ấy đối với người đàn bà khác có khi thường thôi, nhưng đối với chị lại là điều xa xỉ. Các con chị cũng có thể quên mất mình có một người bố. Hoặc sau này trong ký ức nghèo nàn của chúng chỉ có một ông bố bận rộn và cáu kỉnh. Trong khi chúng cần một ông bố biết sửa đồ chơi, biết đọc sách cùng, biết kể chuyện hài khiến chúng phá lên cười...

- Hôm qua mẹ không về nhà?- Bống ngồi trộn salad rau củ, mặt không ngẩng lên, hỏi mẹ.

Chị đang ngào bột làm bánh, hình như vừa lỡ tay cho hơi nhiều nước. Chị không chuẩn bị gì để trả lời câu hỏi của con nên có phần lúng túng. Bống cũng không định chờ một câu trả lời từ mẹ. Nó ngẩng lên bảo:

- Đêm qua bố cũng không về nhà.

Nước mắt chị cứ thế ứa ra chảy giàn giụa hai bên gò má. Thiếu chút nữa thì bật lên nức nở vì không chịu được từng ấy thứ cảm xúc dâng trào. Hụt hẫng, nhói đau và cả sự ân hận, giày vò. Bống bày salad ra đĩa, giọng hồn nhiên bảo:

- Đêm qua con gặp ác mộng chạy sang phòng tìm không thấy mẹ đâu. Lúc gần sáng bé Na ho quá, em cứ khóc đòi mẹ mãi. Mà mứt gừng trong tủ cũng hết rồi. Lọ chanh đào để hở nắp bị hỏng con không dám cho em uống.

Chị cúi xuống vén lọn tóc xõa kín mặt con. Để cả bàn tay còn dính bột, chị ôm con vào lòng thủ thỉ dịu dàng:

- Mẹ xin lỗi. Từ giờ mẹ sẽ không để các con phải ở nhà một mình trong đêm nữa đâu. Tí nữa mẹ con mình cùng làm mứt gừng nhé.

- Vậy để con cạo vỏ gừng giúp mẹ.

Chị hít hà hương tóc con, cảm thấy lòng đã nhẹ nhõm đi nhiều. Trong căn nhà này ít ra cũng còn có các con luôn cần đến chị. Mọi ngôi nhà đều cần người giữ lửa. Dù gió có thổi, mưa có rơi... thì ngọn lửa yêu thương không được tắt.

Tổng hợp nhiều nguồn


Tin xem thêm

Mùi vị cà phê

Giải Trí
22/12/2024 06

Miếu uyên ương

Giải Trí
21/12/2024 20

Người phụ nữ sinh khó. Vật vã mãi đến gần sáng, nhưng may cũng mẹ tròn con vuông. Hai vợ chồng ôm con, nhìn bà rơi nước mắt. Rồi được mời cơm. Toàn món chay nguội và thiế...

Hoa hậu Hà Kiều Anh U50 đẹp, sang 'hiếm có khó tìm'

Giải Trí
21/12/2024 08

Hoa hậu Việt Nam 1992 Hà Kiều Anh vừa thực hiện bộ ảnh đặc biệt trong khung cảnh hùng vĩ của quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.

“Cuộc sống là 10% những gì xảy ra với bạn và 90% là cách bạn phản ứng với nó.” – Charles R. Swindoll

Giải Trí
20/12/2024 08

Câu danh ngôn này là một bài học sâu sắc về thái độ sống. Swindoll muốn chúng ta hiểu rằng, phần lớn cuộc sống của chúng ta được định hình bởi cách chúng ta phản ứng với ...

Dàn mỹ nhân Miss Charm 2024 hóa thiên thần, khoe dáng bốc lửa với bikini

Giải Trí
20/12/2024 08

Trước thềm bán kết, ban tổ chức Miss Charm 2024 tung ảnh bikini của dàn thí sinh. Loạt mỹ nhân quốc tế đeo cánh thiên thần, diện thiết kế hai mảnh khoe đường cong bốc lửa...

Phan Như Thảo dặn chồng đại gia: Nếu anh thay lòng đổi dạ sẽ gặp người tệ hơn em

Giải Trí
19/12/2024 08

Phan Như Thảo nói ông xã - doanh nhân Đức An chưa từng ghen tuông, sẵn sàng làm hậu phương, ủng hộ vợ phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng.