Năm 2025, nhiều trường đại học sẽ điều chỉnh phương án tuyển sinh do thí sinh học và thi tốt nghiệp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ở Trường Đại học Công Thương TPHCM, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay cơ sở đào tạo này sẽ phối hợp tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt với Trường Đại học Sư phạm TPHCM để tuyển sinh.
Trường Đại học Công Thương TPHCM chuẩn bị địa điểm tổ chức kỳ thi, còn Trường Đại học Sư phạm TPHCM cung cấp các quy trình, kỹ thuật và các hồ sơ pháp lý liên quan để đảm bảo kỳ thi diễn ra đúng quy chế, quy định pháp luật. Cả 2 trường sử dụng chung kết quả kỳ thi để phục vụ cho công tác tuyển sinh.
Sau khi có kết quả, thí sinh sử dụng điểm của 1 môn để gắn với kết quả 2 môn học bạ trong tổ hợp xét tuyển. Nhà trường cho biết đang cân nhắc việc tham gia cùng 18 trường khác tổ chức thi và sử dụng kỳ thi V-SAT sau khi Bộ GD-ĐT khẳng định đây không phải là bài thi của Bộ.
Trường Đại học Bách khoa TPHCM chỉ dùng 2 phương thức xét tuyển là xét tuyển thẳng theo quy định Bộ GD-ĐT, Đại học Quốc gia TPHCM và xét tuyển kết hợp (đánh giá năng lực, kết quả THPT, học lực THPT và năng lực khác).
Với thí sinh không dự thi đánh giá năng lực, nhà trường có phương án quy đổi từ điểm thi tốt nghiệp THPT sang điểm kỳ thi này. Thí sinh có điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng được quy đổi sang điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM theo hệ số quy định.
Đại học quốc gia TPHCM thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT.
Đề thi minh hoạ đánh giá năng lực mà đại học này công bố có điều chỉnh so với nội dung đã thông tin trước đó.
Trường Đại học Kinh tế Luật tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng; Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025; Xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Như vậy, so với năm 2024, nhà trường giảm 2 phương thức.
Trường Đại học Nha Trang sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học. Trường tổ chức sơ tuyển (điều kiện cần) thông qua kết quả học bạ theo các môn do trường quy định, sau đó xét tuyển (điều kiện đủ) bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025 hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Với việc sơ tuyển thông qua kết quả học tập THPT, ở mỗi ngành và chuyên ngành đào tạo có một số môn theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hàng năm.
Định hướng tổ hợp xét tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp THPT của trường gồm các môn chính là: toán, ngữ văn và tiếng Anh; toán, ngữ văn (một trong hai môn thi nhân hệ số 2); toán, ngữ văn và 1 môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Trường hợp thí sinh không học các môn cần thiết ở THPT đối với ngành xét tuyển, trường xét kết quả học tập ở THPT và đánh giá năng lực môn học khác thay thế và sẽ bổ trợ kiến thức còn thiếu trong học kỳ đầu tiên của khóa học.
Trường Đại học Sư phạm TPHCM bỏ hẳn phương thức xét tuyển học bạ. Trong định hướng phương thức sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ thành chủ đạo, nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt là một kỳ thi độc lập.
Dự kiến, phương thức này bao gồm việc sử dụng 2 môn vào xét tuyển mỗi ngành, trong đó 1 môn chính được nhân hệ số 2 và 1 môn phụ không nhân hệ số. Điều này giúp đánh giá toàn diện năng lực học tập và sự phù hợp của thí sinh với yêu cầu của từng ngành học.
Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện 6 phương thức xét tuyển trong năm 2025, bao gồm: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; Tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; Sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Sử dụng phương thức khác.
Như vậy, trường tăng 3 phương thức so với 2024.
Theo Vietnamnet