Từ những năm học lớp bốn lớp năm trở đi, cứ mỗi khi những cơn mưa rào tháng ba xuất hiện, thường là từ độ mồng mười đến mười ba tháng ba âm lịch, tôi lại theo bu xuống chợ Đậu để mua một đàn vịt con về nuôi qua những tháng hè, đợi đến tết Độc Lập, quãng trước và sau rằm tháng bảy, khi cả đàn vịt, con nào cũng đã đến tuổi chéo lông cánh là bán lấy tiền chuẩn bị sách vở cho năm học mới.
Những ngày đầu những chú vịt con được quây trong một tấm cót, trên đậy một cái nia đã cũ để che nắng che mưa. Mỗi khi tan học về nhà, tôi chạy vội ra sau nhà, vội vã lật cái nia đậy trên tấm cót quây lũ vịt ra ngắm từng con xem nó lớn đến mức nào rồi. Lũ vịt mới mua về lông còn vàng óng nom như hơi ươn ướt. Rồi mỗi ngày khi chúng lớn lên, thay lông. Thay cho bộ lông vàng óng hôm nào là một bộ lông trắng xốp như bông. Đầu những đôi cánh ngắn cũn cỡn bắt đầu mọc những chiếc lông ống đầu tiên.
Tiếng kêu của chúng cũng thay đổi theo thời gian. Từ những ngày đầu mới mua về, mỗi khi mở cái nia đậy trên tấm cót quây tạm làm chuồng, lũ vịt nháo nhác kêu có phần hơi giống tiếng gà con, thì nay giọng điệu của chúng đã hoàn toàn thay đổi. Những con vịt cái dần vỡ tiếng, mỗi khi phản ứng với chủ thường dướn cổ lên kêu cạc cạc. Còn những chú vịt đực thì lâu vỡ tiếng hơn, cùng trang lứa đấy mà khi kêu chỉ phát ra thứ âm thanh khẹc khẹc như bị bịt mũi.
Tranh của họa sĩ Phạm Thị Phương Thảo
Lúc còn khoác trên mình chiếc áo lông tơ vàng óng, lần nào cũng vậy, cứ hễ nhìn thấy tôi là chúng nháo nhác, lắc lắc, đung đưa cái cổ nghếch lên, ngoạc những cái mỏ óng màu vàng tươi, nháo nhác kêu, tạo thành một thứ hợp âm gần gũi và quen thuộc làm tôi cảm thấy ấm cúng, thân thiết với mình đến kỳ lạ.
Thức ăn cho chúng cũng thật đơn giản. Lúc còn gột, chủ yếu dùng gạo đớn làm thức ăn cho chúng. Khi chúng lớn lên có thể dùng thóc cho chúng ăn mỗi ngày một bữa. Còn lại là đưa chúng ra mương, ra ao, hay ra những cánh ruộng vừa cắt lúa xong để chúng nhặt những hạt thóc, bông lúa rơi vãi. Chăn vịt không tính thời gian. Cứ khi nào nhìn thấy cả đàn vịt, con nào con ấy đều lắc lư cái diều no căng thì huýt sáo gọi chúng về. Tôi cầm cái que tre, buộc trên đầu que một miếng lá chuối khô làm hiệu. Lũ vịt no căng ngoan ngoãn đi theo sự chỉ dẫn của cái que buộc mảnh lá chuối khô dưới bàn tay của chủ.
Ngoài cho vịt ăn thóc, đi chăn chúng ngoài đồng, các buổi trưa sau khi ăn cơm xong, lũ trẻ con chăn vịt chúng tôi rủ nhau đi câu nhái về băm ra cải thiện cho vịt để chúng mau lớn, kịp xuất chuồng trước khi năm học mới bắt đầu. Câu nhái thích nhất là ở những cánh ruộng trồng đỗ bạc rộng mênh mông xanh đen, cây cao tới ngang bụng chúng tôi. Những con nhái câu được ở những cánh ruộng trồng đỗ bạc thường rất béo. Câu nhái làm thức ăn cho vịt cũng chẳng khó khăn gì. Chỉ cần chịu khó là được.
Cần câu làm bằng một cái que đay nhỏ đã tước hết vỏ. Dây câu là một sợi chỉ khâu vá lấy từ ống chỉ trong túi đựng kim chỉ bu thường để đầu giường. Buộc sợi chỉ vào đầu chiếc cần câu làm bằng que đay là xong. Câu nhái lại không cần lưỡi câu. Vì dùng lưỡi câu lại phải đào giun móc vào làm mồi rất mất thời gian. Mỗi khi câu được một con nhái, lưỡi câu móc vào miệng, vào hàm con nhái lại phải mất công gỡ lưỡi câu ra. Muốn câu con tiếp theo lại phải cho mồi vào lưỡi câu. Vừa mất thì giờ lại tốn mồi nhử.
Lũ trẻ chúng tôi thường hái vài cái lá rau lang không quá non, không quá già để làm mồi. Một hai chiếc lá rau lang lấy tay vò cho nát, rồi vò ve lại giống như một điếu thuốc lào, lấy đầu sợi chỉ của chiếc cần câu buộc chặt lại. Để không làm lũ nhái trong những đám cây đỗ bạc hoảng loạn chạy mất, phải rón rén, nhẹ nhàng từng bước chân. Nhẹ nhàng đưa chiếc cần câu tự chế lên, thả miếng mồi câu đã được buộc chặt ở đầu sợi chỉ làm dây câu xuống một khoảng trống giữa các tán lá rồi nhẹ nhàng nhấc lên nhấc xuống để nhử lũ nhái đang ngồi ẩn mình dưới ruộng đỗ bạc. Bất ngờ, có cảm giác nhái đã bắt mồi, thả lỏng cần câu để con nhái đã cắn câu kịp nuốt miếng mồi vào bụng thì nhẹ nhàng nhấc bổng con mồi lên, lủng lẳng trên không trung như đánh đu, cho đến khi điểm rơi của con mồi ngang tầm rốn mình thì dùng tay trái vồ và áp chặt con mồi vào bụng. Bị nhấc lên lủng lẳng như chơi đu trên không trung, miếng mồi con nhái nuốt vào bụng cũng nhanh chóng tuột ra khỏi miệng. Chỉ khổ một nỗi, cứ mỗi lần áp chặt con nhái vào bụng thì nước đái nhái lại toé ra. Thành thử lũ trẻ câu nhái chúng tôi thường cởi trần lúc câu nhái.
Cuối buổi câu, khoảng bụng quanh rốn đứa nào cũng bóng nhầy nươc đái nhái. Bọn con gái nhìn chúng tôi bằng những con mắt kinh hãi và ghê tởm. Mang nhái về, tuỳ theo vịt nuôi lớn bé mà cho ăn. Vịt bé quá thì băm nhái ra thành một đống vừa thịt, vừa da, nhầy nhầy để lũ vịt con ăn. Nếu vịt lớn rồi thì quẳng từng con nhái xuống vườn cho lũ vịt tranh nhau ăn. Những con vịt vớ được miếng mồi to và ngon gật gật cái đầu cố gắng nhồi miếng mồi to hơn miệng và cổ họng vào, nhìn hai cái chân nhái thò ra hai bên mỏ, lắc đi lắc lại năm lần bảy lượt lặc lè mãi mới nuốt trôi, nghĩ mà thương chúng tới tận bây giờ.
Chăn vịt khổ nhất là khi gặp những trận mưa rào bất chợt. Cánh đồng mênh mông trắng nước. Không một bóng người lớn. Cả cánh đồng trắng nước, lấp loá ánh chớp và ì oàng những tiếng sấm sét đến rợn người, chỉ có mấy đứa trẻ chăn vịt chúng tôi không thể bỏ lũ vịt nháo nhác trong cơn mưa mà chạy đi trú mưa được. Vịt cũng là những sinh vật biết sợ hãi và biết thích thú. Mưa lớn và gió giật. Sấm sét và chớp nhì nhoằng cũng làm chúng sợ hãi. Chúng chụm vào nhau ở ngay dưới chân của những kẻ chăn vịt. Chủ tựa vào vịt. Lũ vịt tựa vào chủ run bần bật vì rét và vì sợ hãi trong mưa rào…
Cũng có những ngày mưa to gió lớn, không hiểu lũ vịt sợ hãi đến mức nào mà chúng nháo nhác đến tan đàn, khiến những kẻ chăn vịt oắt con như chúng tôi không sao kiểm soát được chúng. Chạy ngang chạy dọc trong mưa, cầm cây sào chăn vịt xua xua trong vô vọng và bất lực. Nước chảy đầy hai hốc mắt, xót đỏ cả hai mắt. Không hiểu đó là nước mắt hay nước mưa trời.
Khi đàn vịt đã mọc đủ lông cánh, những chiếc lông ống đủ dài để hai cánh chúng có thể đặt chéo lên nhau một chút, chúng tôi bảo với nhau rằng vịt đã chéo cánh rồi. Thế là vào phiên chợ đầu tháng lại theo bu gồng gánh lũ vịt trong những chiếc lồng to để bán lấy tiền mua quần áo, sách vở đón một năm học mới.
Bu tôi đưa cho tôi một cuộn tiền bán vịt có cả tiền chẵn, tiền lẻ. Toàn những đồng tiền nhàu nát, sờn góc. Vân vê những đồng tiền bán vịt có được, cứ có cái cảm giác trên tay cái âm ẩm nhầy nhầy của mồ hôi người trộn lẫn mưa và nắng.
Ngẫm nghĩ và bâng khuâng nhớ về cánh đồng trắng nước trong mưa và tiếng vịt kêu rúc rích bên người.
Tổng hợp nhiều nguồn
Người phụ nữ sinh khó. Vật vã mãi đến gần sáng, nhưng may cũng mẹ tròn con vuông. Hai vợ chồng ôm con, nhìn bà rơi nước mắt. Rồi được mời cơm. Toàn món chay nguội và thiế...
Hoa hậu Việt Nam 1992 Hà Kiều Anh vừa thực hiện bộ ảnh đặc biệt trong khung cảnh hùng vĩ của quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.
Câu danh ngôn này là một bài học sâu sắc về thái độ sống. Swindoll muốn chúng ta hiểu rằng, phần lớn cuộc sống của chúng ta được định hình bởi cách chúng ta phản ứng với ...
Trước thềm bán kết, ban tổ chức Miss Charm 2024 tung ảnh bikini của dàn thí sinh. Loạt mỹ nhân quốc tế đeo cánh thiên thần, diện thiết kế hai mảnh khoe đường cong bốc lửa...
Mỗi ngày 1 lời chúc
Phan Như Thảo nói ông xã - doanh nhân Đức An chưa từng ghen tuông, sẵn sàng làm hậu phương, ủng hộ vợ phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng.