Số phận gia đình nhà chuột

18/12/2024 20:00
Ngay chiều hôm đó, nhà tôi bảo, thấy chuột mẹ đang ì ạch chuyển con đến nơi ẩn cư khác. Ra thăm tổ chuột, thấy ổ trống không. Tôi nghĩ, chắc chuột mẹ đã nhận ra sự nguy hiểm khi con người phát hiện ra tổ của nó.

Tình mẫu tử thiêng liêng đã thôi thúc chuột mẹ di dời lũ con đến một nơi nào đó mà nó cho là an toàn nhất. Với bản năng sinh tồn của nòi giống, tôi hi vọng mẹ con nhà chuột sẽ bình an nơi tổ mới.

Một hôm, phát hiện ra nhà tôi có chuột. Cặp uyên ương chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái một tí tẹo không hiểu từ đâu dắt díu đến xây tổ ấm ngay trong góc nhà kho cạnh chái bếp. Vẫn biết cái giống chuột hay đào xới, đục khoét, phá hoại mùa màng, nhưng với bản tính phóng khoáng, bao dung và dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh nên tôi không hề bận tâm về sự hiện diện của đôi chuột nhóc. Gạo đựng trong cái vại bằng Inox, có nắp đậy; thức ăn được bảo quản trong tủ lạnh, trong chạn gỗ có lưới sắt bao bọc chung quanh; quần áo luôn cho vào tủ đứng sau khi được giặt giũ sạch sẽ. Chỉ còn giá sách kê cạnh phòng khách chứa gần hai trăm đầu sách quý, những số báo đặc biệt có in bài của tôi hồi tôi mới vừa gia nhập vào ngành báo chí còn đang bỏ ngõ. Nhà không có gì khác nữa để bọn chúng quấy phá. Lũ chuột cần gì những trang giấy đặc đầy chữ nghĩa ấy?

Nghĩ vậy nên tôi luôn tỏ ra rộng rãi, thân thiện đối với hai “cư dân” mới đến.

Hằng ngày, đôi chuột nhởn nhơ cặp nhau đi tìm mồi. Chúng thường tranh nhau nhặt cơm rơi ngay trước mặt tôi, lúc thì qua nhà hàng xóm tha về những hạt bí đỏ, hạt đậu phụ. Một lần, tôi còn bắt gặp bọn chúng đang hè hụi khênh về một củ khoai lan to tướng.

Những lúc rửng mỡ, cặp uyên ương thường rượt đuổi nhau chạy khắp sàn nhà, cãi nhau chí chóe, thậm chí còn leo lên bàn nước thản nhiên nhâm nhi những hạt hướng dương, hạt đậu phọng da cá còn sót lại. Thi thoảng về đêm, không biết cao hứng thế nào mà chúng lại rúc lên từng hồi lanh lảnh. Có lẽ đối với loài chuột, đó là bài tình ca du dương nhất mà chúng thích hát trong những lúc nhàn rỗi? Dân buôn bán thường nói đến ba điềm lành: thứ nhất đom đóm vào nhà, thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn. Không biết việc buôn bán của bà xã đã có lần nào ứng nghiệm với điềm lành thứ hai hay chưa, nhưng trước mắt, tôi cảm thấy nhà cửa thêm phần vui nhộn từ khi có thêm cặp đôi son trẻ. Càng thích con Mickey trong phim hoạt hình Walt Disney bao nhiêu tôi càng tỏ ra cảm tình với vợ chồng nhà chuột bấy nhiêu.

Nhìn cuộc sống hạnh phúc của cặp chuột tơ, tôi nói đùa với bà xã: “Bọn chúng đang hưởng tuần trăng mật đấy!”. Vợ chồng tôi lại nhìn nhau cười rúc rích như... chuột.

Gia đình nhà chuột đang rất hạnh phúc, rất êm đềm và được vợ chồng tôi ưu ái bỗng dưng nhận lấy cái kết vô cùng bi thảm. Điều trớ trêu thay, thủ phạm gây ra tai họa cho gia đình nhà chuột lại chính là tôi!.

Đêm hôm ấy, vào khoảng nửa khuya, tôi bị đánh thức bởi tiếng “Rẹt! Rẹt! Rẹt...” khô khốc phát ra từ một nơi nào đó. Tôi ngồi bật dậy, lắng nghe một lúc rồi kêu thầm: Chết mẹ! Bọn chuột đang đột nhập vào giá sách! Vội chui ra khỏi mùng, bật đèn, đi về phía giá sách. Lập tức, một chú chuột từ trong góc giá sách vọt ra rồi biến mất dưới gầm bàn... Ngay sau đó, tôi phát hiện ra, lũ chuột đã phá nát mấy bộ sách quý! Các số báo đặc biệt có bài phóng sự hồi mới vào nghề, tôi trân trọng lưu giữ làm kỉ niệm cũng cùng chung số phận!.

Ngay lập tức, lòng độ lượng bao dung của tôi bỗng nhiên tan biến như mây khói, thay vào đó là sự căm tức, bực bội. Tôi thề sẽ trừng trị lũ chuột để bảo vệ giá sách quý bằng mọi giá.

Trưa hôm sau, từ tòa soạn về, tôi tạt vào nhà người bạn mượn hai cái bẫy chuột bằng sắt tây cực nhạy. Hai cái bẫy – theo lời bạn tôi, đã từng kết liễu hàng trăm sinh mạng nhà chuột, trong đó có cả chuột cụ ranh ma.

Cơm tối xong, tôi lọ mọ gài hai cái bẫy vào hai chỗ trọng yếu: một cái đặt gần giá sách, cái nữa để trên lối đi mà lũ chuột thường qua lại tìm mồi. Nhìn hai cục mỡ heo bằng ngón tay cái béo ngậy, thơm phức được gắn trên cái bẫy sắt, tôi lấy làm hài lòng và đinh ninh, thế nào đêm nay cũng có một kẻ phá hoại đền tội.


Tranh của họa sĩ Thành Chương

Vào quá nửa khuya, tôi lại bị đánh thức bởi tiếng “rẹt rẹt rẹt..” nhói ruột nhói gan. Vội bật dậy mở đèn. Tiếng rọt rẹt bỗng dưng im bặt. Không giấu được sự kinh ngạc khi phát hiện ra hai miếng mồi béo bở đã biến mất, chỉ còn trơ hai cái bẫy đang ở tư thế ban đầu! Tôi nghĩ bụng: Có lẽ bọn chuột đã thành tinh chăng? Bước lại giá sách tiếp tục quan sát. Lại một chú chuột từ trong góc giá sách phóng ra...rồi mất hút trong bóng tối. Điên tiết, tôi tiếp tục lên giường, suốt đêm không ngủ và nghĩ ra một ngàn lẻ một cách tiêu diệt bọn phá hoại.

Đêm sau, trước khi lên giường, tôi nốc cạn ly cà phê đặc quánh, tay thủ sẵn thanh tre chắt nụi nằm chờ.... Lúc này, thời gian trôi đi thật chậm . Đồng hồ cứ thong thả gõ mười giờ, mười một giờ, mười hai giờ rồi... hai ba giờ sáng. Vậy mà chưa có dấu hiệu chứng tỏ con chuột đang có mặt trong giá sách của tôi. Tôi hậm hực nghĩ bụng, con chuột chết bầm, nó đang chơi khăm mình đây! Vừa giận, vừa cảm thấy đầu óc căng thẳng, cơ thể mệt mỏi, tôi chợp mắt lúc nào không biết. Bỗng tiếng “rẹt rẹt rẹt...” khô khốc đánh thức. Tôi khẽ khàng lồm cồm bò dậy chui ra khỏi mùng, vớ lấy thanh tre rón rén đi về phía giá sách. Ngọn đèn ngủ tỏa ánh sáng lờ mờ. Nhưng không sao, như thế vẫn hơn, ánh sáng thật lý tưởng giúp tôi hạ gục kẻ thù . Trong góc tối, cạnh giá sách, tôi đứng bất động, mắt đăm đăm dán vào nơi con chuột thường từ đó vọt ra. Tay tôi nắm chặt thanh tre trong tư thế sẵn sàng bổ xuống một chỗ duy nhất đã định sẵn. Mặc cho tiếng “rẹt rẹt” xé lòng, mặc cho lũ muỗi tha hồ châm chích, tôi vẫn đứng lặng yên như pho tượng.

Không biết tôi đứng trong tư thế trời hành làm mồi cho muỗi đốt trong bao lâu, có lẽ rất lâu, lâu hàng thế kỷ, bỗng tiếng “rẹt rẹt” im bặt. Tôi nín thở, tim như ngừng đập, mắt dán chặt vào mục tiêu... Phút chốc, góc giá sách chợt xuât hiện dần lọn giấy vụn, tiếp theo là thân hình nâu xám, tròn lẳn của chú chuột tơ. “Bập! Bập! Bập...” thanh tre trên tay tôi cứ bổ xuống liên tục, cực nhanh, cực mạnh. Con chuột đực hoảng loạn phóng xuống bàn nước nhảy cà tưng, cà tưng như cố tình trêu nguơi. Tay luống cuống, mắt nhìn ba chớp ba sáng nên thanh tre lại bổ nhầm vào cái phích nước rạng đông. Cái phích nước bà bạn tặng vợ tôi nhân ngày sinh nhật đổ nhào, rơi xuống sàn nhà đánh “cạch”. Thế là phích nước vỡ tan, nước sôi tràn ra lênh láng. Con chuột đã biến mất từ lúc nào!

Nghe tiếng động, nhà tôi từ phòng ngủ chạy ra, mắt nhắm mắt mở, nói kháy: “Quậy nữa vào cho tiêu luôn bộ bình chén. Đến thời kỳ làm tổ thì giống gì chẳng vậy!”. Tôi điên tiết ném thanh tre vào góc nhà, ngồi bất động. Vợ tôi loay hoay lau dọn sàn nhà cho đến gần sáng.

Sáng hôm sau, làm vệ sinh cá nhân xong mà đầu óc vẫn còn lừng khừng, một phần do mất ngủ, phần bị ám bởi hình ảnh con chuột nhảy cà tưng trên bàn nước. Và... cũng là một buổi sáng đau buồn của con chuột đực.

Định dắt xe ra khỏi nhà chuẩn bị đến cơ quan thì phát hiện ra chú chuột đang lướt qua mắt tôi. Lập tức, chộp lấy cây chổi lông gà đuổi theo. Chú chuột lúc này di chuyển chậm chạp. Thấy tôi, nó thu mình vào một góc khuất, giương đôi mắt thật buồn nhìn tôi và không có ý đồ tẩu thoát. Nhìn thân hình co rúm, run rẩy của chú chuột, tôi nghĩ, chắc tối qua chú mày dính đòn! Tôi giương cao cán chổi định bổ xuống một nhát kết liễu kẻ đã phá nát mấy bộ sách quý của tôi. Nhưng tôi bỗng dừng tay và nghĩ rằng, giết một chú chuột nhắt đang ngoắc ngoải trong lúc này có vẻ vang gì! Tôi dùng cán chổi đè cổ nó xuống, tay còn lại nhón lấy đuôi xách ngược lên, đem ra bỏ cạnh bụi chuối sau nhà. Con chuột lảo đảo gắn gượng đứng lên ngồi co rúm nhìn tôi. Tôi bảo, kể từ giờ phút này nếu mày còn sống thì hãy lấy nơi này làm tổ ấm. Ngược lại là do số kiếp của mày đã dứt! Chuột đực vẫn ngồi trong tư thế thảm hại giương đôi mắt thất thần nhìn tôi. Có lẽ từ trong tiềm thức thẳm sâu của giống nòi, con chuột cũng đã cảm nhận rằng, từ xa xưa, nòi giống chuột không giúp ích gì cho con người mà chỉ có phá hoại. Không thể nào chung sống lâu dài với con người. Không sớm thì muộn, con người cũng sẽ loại bỏ nó. Vì vậy, ở chừng mực nào đó, nó đã cố xa lánh mọi cạm bẫy, né tránh con người để được tồn tại. Nhưng nó đâu có hiểu được rằng, khi lợi ích của con người bị kẻ khác xâm hại, kẻ đó sẽ bị tiêu diệt, mọi cố gắng của nó cũng trở thành vô nghĩa.

Sau cái chết của chú chuột đực, chuột cái ít khi xuất hiện, mà nếu có cũng chỉ đi thơ thẩn trong mấy góc nhà, thỉnh thoảng lại rúc lên từng hồi buồn thảm. Nhìn thân hình xơ xác, tiều tụy, bụng lại phình to của chuột cái tôi không tránh khỏi chạnh lòng. Nhà tôi bảo, chuột cái đang mang thai.

Một buổi sáng chủ nhật, lúc thu dọn mấy cành củi khô xếp gọn vào chái bếp, tôi tình cờ phát hiện ra chuột cái đã sinh con. Trong cái tổ xây bằng giấy vụn cạnh góc nhà kho, sáu chú chuột con mới sinh đang rúc vào thân hình teo tóp của chuột mẹ.

Vốn rất yêu động vật, nhà tôi để sẵn bên cạnh ổ những thức ăn cần thiết như cơm nguội, khoai lan, mỡ lợn... giúp chuột mẹ đủ sức nuôi con.

Ngay chiều hôm đó, nhà tôi bảo, thấy chuột mẹ đang ì ạch chuyển con đến nơi ẩn cư khác. Ra thăm tổ chuột, thấy ổ trống không. Tôi nghĩ, chắc chuột mẹ đã nhận ra sự nguy hiểm khi con người phát hiện ra tổ của nó. Tình mẫu tử thiêng liêng đã thôi thúc chuột mẹ di dời lũ con đến một nơi nào đó mà nó cho là an toàn nhất. Với bản năng sinh tồn của nòi giống, tôi hi vọng mẹ con nhà chuột sẽ bình an nơi tổ mới.

Không ngờ, số phận mẹ con nhà chuột lại kết thúc quá bi thảm sau khi chuyển đến nơi ở mới chưa được 3 ngày. Sự kết thúc ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Từ quán cà phê vừa về đến đầu ngõ, thấy thằng Tí, con trai tôi với mấy nhỏ bạn cùng xóm, đứa nào cũng cầm trên tay một thanh tre xúm xít cười nói ầm ĩ. Tôi bước đến xem thử. Trời ơi! Thân hình tiều tụy của chuột cái bị dập nát đang nằm hấp hối bên xác sáu chú chuột con chưa kịp mở mắt! Thằng Tí định khoe với tôi điều gì đó, nhưng tôi vội vã quay đi...

Thuở hồng hoang, mọi sinh vật trên trái đất chung sống bình đẳng, thân thiện. Riêng con người và giống chuột không biết có mối hiềm khích nào đó ghê gớm lắm không thể hóa giải được và trở thành mối thâm thù truyền kiếp.

Chuột vẫn tìm cách đục khoét, gặm nhấm, phá phách mọi thứ của loài người, thậm chí còn mang bệnh dịch đến cho con người nữa. Còn con người mãi truy cùng diệt tận mỗi khi thấy chuột xuất hiện.

Nếu xét cho cùng, chuột cũng có đời sống riêng của giống nòi. Nó cũng có tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử thiêng liêng, vui trong hạnh phúc, buồn lúc chia ly. Ở chừng mực nào đó, đời sống tình cảm của giống chuột đâu khác gì con người.

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Trần Quang Lộc

Tin xem thêm

Mùi vị cà phê

Giải Trí
22/12/2024 06

Miếu uyên ương

Giải Trí
21/12/2024 20

Người phụ nữ sinh khó. Vật vã mãi đến gần sáng, nhưng may cũng mẹ tròn con vuông. Hai vợ chồng ôm con, nhìn bà rơi nước mắt. Rồi được mời cơm. Toàn món chay nguội và thiế...

Hoa hậu Hà Kiều Anh U50 đẹp, sang 'hiếm có khó tìm'

Giải Trí
21/12/2024 08

Hoa hậu Việt Nam 1992 Hà Kiều Anh vừa thực hiện bộ ảnh đặc biệt trong khung cảnh hùng vĩ của quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.

“Cuộc sống là 10% những gì xảy ra với bạn và 90% là cách bạn phản ứng với nó.” – Charles R. Swindoll

Giải Trí
20/12/2024 08

Câu danh ngôn này là một bài học sâu sắc về thái độ sống. Swindoll muốn chúng ta hiểu rằng, phần lớn cuộc sống của chúng ta được định hình bởi cách chúng ta phản ứng với ...

Dàn mỹ nhân Miss Charm 2024 hóa thiên thần, khoe dáng bốc lửa với bikini

Giải Trí
20/12/2024 08

Trước thềm bán kết, ban tổ chức Miss Charm 2024 tung ảnh bikini của dàn thí sinh. Loạt mỹ nhân quốc tế đeo cánh thiên thần, diện thiết kế hai mảnh khoe đường cong bốc lửa...

Phan Như Thảo dặn chồng đại gia: Nếu anh thay lòng đổi dạ sẽ gặp người tệ hơn em

Giải Trí
19/12/2024 08

Phan Như Thảo nói ông xã - doanh nhân Đức An chưa từng ghen tuông, sẵn sàng làm hậu phương, ủng hộ vợ phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng.