- Cô chào các em. Các em ngồi xuống. Hôm nay, chúng ta học bài mới nhé. Vừa quay lên bảng, có tiếng nói dưới lớp:
- Thưa cô bạn Ới xô bàn.
- Thưa cô cái bàn nhúc nhích, chứ em không xô.
Thanh gõ thước lên bàn. “Các em trật tự, yên lặng đi! Cãi nhau hoài làm sao mà học? Im lặng”. Cả lớp im lặng. Mấy chiếc lá vàng đổ xuống mặt sân, theo gió xô nhau dồn về một góc. Nắng hanh. Dưới kia, phía sườn đồi, cỏ tranh ngã màu. Thứ cỏ có sức sống mãnh liệt. Sau đêm mưa đã nhú lên. Cứ nhú lên dù bị người ta đốt cháy trước đó vài ngày. Thanh ngại nhất là mầm của nó. Cái mầm nhọn bén như cây đinh. Bỏ dép xốp, thay dép nhựa, xuyên đám cỏ tranh, Thanh lên đồi đến lớp. Lớp học dựng trên đồi, ván thưng vách còn tươi. Trước cửa, những mầm cây sót lại, hồn nhiên mọc. Hồn nhiên như tiếng cười bọn trẻ. Bọn trẻ đầu trần, chân đất. Nắng mưa đơn giản. Nắng mưa chỉ thêm thắt chút đỉnh về ý niệm thời gian.
- Thưa cô bạn Buôn không viết bài.
- Thưa cô cái bàn nhúc nhích miết, em không viết được.
Đúng là trẻ con. Chuyện gì cũng thưa cô. Và hình như trong mắt chúng, cô là người duy nhất ở lớp, có tư cách giải quyết mọi thắc mắc trong đầu chúng.
- Em ra lấy cho cô cục đá.
- Dạ.
Thằng bé nhanh nhảu chạy ra ngoài sân lấy cục đá. Thanh chem đá vào chân bàn.
-“Sao? Còn nhúc nhích không”, Thanh hỏi. Có tiếng trả lời: “Dạ, hết rồi”. Thanh dặn như ra lệnh: “Đừng ồn nữa nghe chưa”. “Dạ”. Những mái đầu ngoan ngoãn cúi xuống. Thanh mỉm cười. Nhìn về phía xa, phía sườn đồi dọc theo con suối, gió đuổi bắt nhau trên những vạt sim già.
Bây giờ là tháng Ba. Tháng Ba hoa gạo nở. Sim cũng bắt đầu chín. Những trái sim căng mọng, hứa hẹn vị ngọt thiết tha. Vị ngọt pha lẫn chút chát chua hoang dại. Đứa trẻ thập thò ngoài cửa, cái nón để ngửa, đựng sim. “Thưa cô, mẹ cho cô”. Đấy là đứa học trò lớp buổi chiều. Thanh để xấp bài xuống bàn nói: “Cô cảm ơn mẹ. Con về nhà tắm rửa, học bài, chiều đi học nghen”. Con bé cõng em, mấy sợi tóc ướt mồ hôi trên trán. Thanh cúi xuống cài nút áo cho nó. Không tìm thấy nút. Đứa em lắc lẻo trằn trên lưng chị, nút nào chịu nổi. “Không đi học thì cõng em. Cõng em cho mẹ đi lên rẫy”. Nó lờ mờ hiểu khi mẹ nói: “Không đi học thì không ăn cơm”. Nhưng có lần nó nghe anh nó cãi lại. “Ăn cơm thì cả nhà ăn, sao bắt mình tui đi học”? Thanh đến nhà năm lần bảy lượt mới thuyết phục được thằng anh đến lớp. Thằng anh nói: “Thấy cô đến hoài tội quá, nên em đi”. Đấy là hồi trường còn bên kia suối. Mùa lũ năm rồi sạt núi. Cả làng dời sang bên này. Bên này tiện đường đi lại. Chân đồi có một ngã ba. Đường xuống đèo Cắt, đường lên núi Mum. Đường vào làng Reng. Làng Reng mới lập, hơn hai chục hộ. Buổi sáng lớp một. Buổi chiều lớp ba. Thanh dạy cả hai, chủ nhiệm cả hai. Thanh thuộc lòng tên cha, tên mẹ từng đứa.
Cha mẹ chúng còn rất trẻ. Xấp xỉ tuổi Thanh. Ừ nhỉ. Sáu năm. Chờ việc ba năm, ba năm đi dạy. Ba mươi non. Ba mươi tuổi có con học lớp ba, chuyện thường. Nhưng...
Thanh cắn trái sim ngọt lự. Hạt sim giòn béo pha lẫn chút chát chua. Ngày xưa, nhớ có lần nghe câu hát đưa nôi: “Đói lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương”. Người xưa sao kỳ vậy ta? Sao không ăn trái ổi, trái xoài, hay trái mận mà chọn trái sim? Chọn trái sim rồi cắn một nửa. Còn nửa kia để lại cho ai? Dành cho ai? Trong khi lòng đang đói. Lòng trống không, khao khát lấp đầy, dù lấp đầy bằng lưng bát nước? Nước mưa, nước suối, nước giếng hay bát nước nhớ thương? Đi tìm, mải miết đi tìm, bôn ba tất tả trong mênh mông cuộc đời. Tình cảm quá. Lãng mạn quá!
Chiều nay dạy xong, Thanh đi về qua đồi sim. Mùa này hoa sim không còn tím ngát. Chỉ còn lại màu tím rừng chiều. Thanh lặng nghe suối chảy. Gió hoang vu xao xác phía rừng keo. Thanh cúi xuống. Gốc sim già và đám gai sắc nhọn. Hoa sim đã kết trái từ bao giờ. Không tìm thấy đâu dù một cánh hoa tàn, nói gì đến một “đóa đẫm tương tư” như ai đó nói. Chàng lãng tử mộng mơ nào đó không thể ngồi chờ nơi đây. Không thể nán lại phút giây nào bên khu rừng hoang vắng này, trong “bao la đồi nương, trong mênh mông chiều sương”. Không. Hoàn toàn không thể. Hoàn toàn khác với buổi chia tay ở cổng trường. Buổi chia tay với cái ba lô nhẹ tênh mà lòng trĩu nặng ước mơ. Đã ba năm. Thời gian đủ để đám bạn thân mỗi đứa một nơi. Đứa đi Bình Phước, đứa lên Tây Nguyên... có đứa đi Đồng Nai. Thanh may mắn lên đây. Còn Hòa biệt tăm, biệt tích. Thằng con trai, miệng rộng hoác, đọc thơ như bắn đại liên. Mà con gái trong lớp đứa nào cũng mê. Không biết mê cái cằm chẻ hay mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ của nó? Bây giờ Hòa ở đâu? Bỗng dưng chiều nay Thanh thấy nhớ. Nhớ ánh mắt rưng buồn, như muốn nói điều gì rồi lại thôi trước lúc nó lên xe. Lâu lắm, có người nói Hòa làm nhiều nghề. Nghề nào rồi cũng bỏ. Chỉ một cái không bỏ, dù không phải nghề, đấy là làm thơ. Trước đây Thanh sợ lắm. Bởi có ai đó ví von rằng: “Khoai lang chín tháng, khoai lang sùng/ Lấy thằng chồng thi sĩ, lấy thằng khùng sướng hơn”. Nghe mà ớn tới mang tai. Nhưng giá bây giờ có Hòa ở đây đọc bài “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan để cảm nhận hết cái “chiều hoang biền biệt” này thì hay biết mấy.
Phía bên kia đường, chỗ ngã ba, có chừng năm, bảy người đang xúm xít. Hình như có ai bán thứ gì đó. Ở đây, các thứ nhu yếu phẩm, thường người ta hay đi bán dạo, hoặc vô từng nhà hoặc ngồi bán dưới bóng cây. Chỗ nào tiện thì ngồi lại bán. Hôm nay, tại ngã ba có người trải tấm bạt, hình như họ bán quần áo thun, mũ nón thì phải.
Khi Thanh đến, người đàn ông bán hàng đang loay hoay thu xếp. Mặt trời đã nghiêng về phía núi Mum.
- Vội gì xếp vào. Bán cho tui cái này đã. Thanh chọn áo thun màu tím. Người bán hàng, tay xếp đồ dồn vào bao. Miệng nói:
- Nhanh lên tối rồi. Tôi còn phải qua đèo.
- Bao nhiêu? Thanh cầm áo dơ lên.
- Hả? Cái này đến... ba mươi nghìn?
- Ba mươi đắt quá, hai lăm đi, hai lăm bán không?
- Cũng được. Nhưng xin lỗi, nghe giọng nói rất quen?
Thanh gỡ khẩu trang ra. Người bán hàng reo lên: “Không ngờ gặp em ở đây”.
Thanh nói:
- Tôi nhìn thấy ông từ bên kia đường. Nhưng ngờ ngợ, không chắc lắm, đến vờ xem thử. Ông lên đây hồi nào?
- Hồi chiều.
- Thôi dọn hàng đi, về chỗ tui ăn cơm. Ở đây chỉ cơm gạo rẫy, lương khô, một ít rau rừng tôi hái hôm qua, chỉ có vậy thôi. Tất cả đều chơn chất. Ông sẽ được dịp biết thêm về cuộc sống của những người đi gieo chữ trên non. Tôi nói gieo chữ trên non là nói theo cách những người làm thơ như ông đó. Chúng tôi ở đây với gió núi và cây rừng. Cho đến bây giờ, không hiểu vì sao tui lại yêu những ánh mắt thơ ngây của bọn trẻ đến lạ kỳ.
* * *
Trăng mười sáu. Trăng lên từ phía đèo Cắt.
- Ở đây vừa hoang vu, vừa thơ mộng. Hòa nói.
- Mấy ông làm thơ hay thi vị hóa cuộc đời. Trải qua mùa đông nghe gió bấc thổi từng đêm, mới biết thơ mộng cỡ nào. Nhưng thôi gác chuyện ấy lại đi. Mấy năm nay ông làm gì, ở đâu?
- Tôi không làm gì hết và cũng không ở đâu hết. Mỗi nơi ở mỗi ít, mỗi việc một thời gian.
- Ông thích vậy, hay buộc phải vậy?
- Cả hai.
- Hạnh phúc là cái gì mình thích mà làm được. Cũng vậy, tôi thấy hạnh phúc khi dạy những đứa trẻ ở đây. Dù ở đây xa hẳn những người thân, xa hẳn bạn bè quen biết. Chiều nay lúc dạy xong, tự nhiên tôi thấy nhớ ông lạ. Hình như lúc chia tay hồi đó ông muốn nói với tôi điều gì thì phải?
- Và bây giờ nói có muộn không?
- Không. Chưa muộn.
- Tôi lên đây là để tìm em.
Cả hai yên lặng. Trăng mười sáu đã lên cao. Trăng bàn bạc lung linh huyền ảo. Những mảnh trăng vỡ ra trên dòng nước. Bước qua bờ suối, hai người lặng lẽ bên nhau đi về phía lưng đồi. Những viên sỏi lạo xạo dưới chân. Những viên sỏi lặng yên ngỡ ngàng thức giấc. Bóng trăng chênh chếch mơ hồ. Kỷ niệm của một thời xưa cũ, kỷ niệm thuở sinh viên chừng như trôi về bến bờ xa thẳm. Có tiếng gà rừng đâu đó. Tiếng gà níu ánh trăng nghiêng về phía hai người. Và bây giờ sương đã mênh mông. Có chòm mây bạc, thảnh thơi trôi về phía đỉnh núi xa...
Tổng hợp nhiều nguồn
Tèo vừa tan làm thì nhận được tin nhắn của bạn gái:
Người phụ nữ sinh khó. Vật vã mãi đến gần sáng, nhưng may cũng mẹ tròn con vuông. Hai vợ chồng ôm con, nhìn bà rơi nước mắt. Rồi được mời cơm. Toàn món chay nguội và thiế...
Hoa hậu Việt Nam 1992 Hà Kiều Anh vừa thực hiện bộ ảnh đặc biệt trong khung cảnh hùng vĩ của quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.
Câu danh ngôn này là một bài học sâu sắc về thái độ sống. Swindoll muốn chúng ta hiểu rằng, phần lớn cuộc sống của chúng ta được định hình bởi cách chúng ta phản ứng với ...
Trước thềm bán kết, ban tổ chức Miss Charm 2024 tung ảnh bikini của dàn thí sinh. Loạt mỹ nhân quốc tế đeo cánh thiên thần, diện thiết kế hai mảnh khoe đường cong bốc lửa...
Mỗi ngày 1 lời chúc
Phan Như Thảo nói ông xã - doanh nhân Đức An chưa từng ghen tuông, sẵn sàng làm hậu phương, ủng hộ vợ phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng.