Tiếng thì thầm của dòng sông

12/06/2024 20:00
Còn nhớ đó là mùa hè năm tôi học lớp 4, ông tôi từ bến sông trở về dắt theo một đứa con gái trạc tuổi tôi, da đen cóc cáy.

Bà tôi lên tiếng: “Chứ con bé ở đâu ra vậy ông?”. “Nó ngoài bến tôi dắt về”, ông tỉnh rụi rồi hạ giọng. “Để tui kể sau, giờ bà coi có gì cho nó ăn chút đi!”.

Bà tôi quày quả vào bếp, lát sau trở ra mang theo tô cơm nguội đầy nhóc với khúc cá kho. Con nhỏ đón lấy tô cơm ăn ngon lành. Lúc này ông mới vẫy bà vô bếp thầm thì, tôi nghe tiếng được tiếng mất. Hóa ra con nhỏ mồ côi cha mẹ ở đâu tận làng bên, lang thang đến làng tôi. Sáng sớm nó ra bến sông, ai kêu gì cũng làm, ngủ thì vạ vật trong cái lều cỏ bỏ hoang. Ông tôi thương tình dắt về.

Kể xong, ông dỗ dành bà: “Nhà mình cũng không khấm khá gì, nhưng bỏ mặc nó thấy tội nghiệp!”. Bà tôi nén tiếng thở dài, ra sau hè ngồi băm bèo. Con nhỏ thấy vậy nhanh nhảu chạy lại đỡ cái dao trên tay bà: “Bà để con!”. Giọng nó nhỏ nhẹ dễ thương, ngược hẳn với vẻ ngoài cóc cáy. Bà tôi ngồi nhìn nó băm, hai tay lẹ làng, nếp nhăn trên trán bà giãn ra.

Ông tôi âu yếm bảo nó: “Để đó cho bà, con ra chơi với chị Cầm đi!”. Tôi ngay lúc đó đứng phắt dậy bỏ vào nhà, có chút gì như hờn dỗi, tủi thân, đứa cháu nội gái duy nhất mà ông bà cưng chiều từ nay đã có đứa khác thay thế. Ông thấy vậy vào nhà dỗ dành tôi: “Nó là đứa mồ côi, khổ cực, con nên thương em!”. Nói rồi, ông kéo tôi ra sân, đến bên nó. Con nhỏ băm bèo xong đứng lên nhìn tôi, lần này cái nhìn có phần e dè rồi cúi xuống, ngón chân cái di di trên cái sân gạch đầy rêu.

Bà tôi quay qua hỏi: “Ủa, mà con tên gì?”. “Dạ, Xí”, con nhỏ lí nhí đáp. Ông tôi cười khà khà xoa lên cái đầu rối bù của nó: “Từ giờ về với ông bà, tên con sẽ là Nhàn”. Ông quay sang tôi bảo: “Còn đây là chị Sâm Cầm, cháu ông toàn tên của loài chim thôi”, nói đến đây ông lại cười khà khà. “Sao ông lại gọi nó là Nhàn?”, tôi tò mò. “À... Chiều nay lúc ở bãi bồi ông nhìn thấy trên sông một con nhàn trắng bay về, miệng tha một nhánh cây khô rồi đậu xuống trên bãi cuội ven sông, đúng lúc đó Nhàn kéo bó củi đi qua”, nói đến đây gương mặt ông trầm ngâm.


Tôi nhìn thấy trong đôi mắt ông nỗi thương cảm, bà tôi cũng quay đi giấu nỗi xúc động, giục tôi dọn cơm. Tôi sắp chén đũa ra mâm, quay qua thấy Nhàn đứng tựa bên cây rơm, tay vân vê lai áo, mặt ngoảnh ra đồng. Thấy tội nghiệp, tôi gọi: “Lại so đũa đi, Nhàn!”. Lúc này Nhàn mới khép nép ngồi xuống so đũa. Trong bữa ăn nó ngồi bên bà tôi, nhỏ nhẻ ăn, có vẻ như nó còn no vì tô cơm lúc xế. Trong lúc ngồi ăn tôi nhìn Nhàn rõ hơn, trên gương mặt lem luốc là đôi mắt nó sáng trưng, khóe miệng lún sâu một hạt gạo thiệt duyên, bộ quần áo trên người nó bốc mùi chua lè. Ăn xong nó nhanh nhảu bưng mâm ra áng nước ngồi rửa, có vẻ như nó ý thức thân phận mình.

Sẩm tối, đưa cho nó bộ quần áo, tôi rủ nó ra giếng tắm. Tắm xong nó mặc bộ đồ vào đứng ngắm nghía, hết kéo cái cổ áo viền đăng ten xuống coi, lại mân mê cái nơ trước ngực, lẩm bẩm: “Bộ đồ đẹp vầy mà chị cho em!”. Phải công nhận tắm rửa xong thay bộ đồ khác trông nó sáng sủa hẳn ra. Đêm đó nó ngủ cùng bà và tôi. Tôi nằm giữa, quay sang ôm bà để “xác nhận chủ quyền” bà là bà của tôi, nó chỉ là cháu nuôi. Tôi thiếp đi, nửa đêm, tôi giật mỉnh tỉnh giấc thấy nó còn trằn trọc. Sáng thức giấc, tôi đã thấy nó lui cui dưới bếp phụ bà cơm nước, tôi quờ tay qua, cái gối nó nằm ướt mem, hóa ra đêm qua nó khóc.

Suốt kỳ nghỉ hè Nhàn luôn quẩn quanh bên tôi. Ngày tôi sửa soạn trở về thành phố, ông tôi cũng tất bật đạp xe đến trường xin cho nó học. Nhàn vào lớp một học từ đầu vì nó chưa biết đánh vần. Đêm đó, tôi và Nhàn rì rầm suốt đêm, bà phải giục ngủ sớm lấy sức mai còn đi xe đò.

Nhàn theo ông đưa tôi ra quốc lộ, gửi tôi lên chuyến xe đò quen thuộc trở về, hôm đó trời trong, hai bên đường hoa sầu đông lả tả rơi. Tôi nhìn sang thấy mắt Nhàn rưng rưng, nó nắm tay tôi cho đến khi tôi lên xe, xa khuất.

* * *

Bao nhiêu mùa hè trôi qua tôi không còn nhớ nữa, kể từ ngày Nhàn về ở với ông bà tôi. Lên cấp hai, số lần tôi về quê nội thưa dần. Lần nào nghe tin tôi về Nhàn cũng ra tận đầu làng đón. Nhàn chở tôi ngồi đằng sau, lúc lắc trên chiếc xe đạp nặng như con trâu sắt, hai đứa vừa đi vừa dí dỏm chuyện trò.

Vườn nhà nội tôi ngày càng xanh um, đàn vịt dưới ao con nào con nấy núc ních. Ngoài giờ học, suốt ngày Nhàn ở ngoài vườn chăm từng luống rau. Ông tôi nay không còn nhanh nhẹn. Ông ngồi góc nhà ngước đôi mắt kèm nhèm nhìn ra, thấy tôi về ông hay thủ thỉ: “Con coi dắt em Nhàn lên thành phố cho nó đi học với”. Lần nào nghe tôi kể Nhàn cũng cười, rơm rớm: “Ông nay lẩn thẩn rồi chị, thương lắm!”.

Ông bà tôi yếu hẳn, Nhàn cáng đáng hết việc nhà. Nhàn lên cấp ba, mẹ tôi may bộ áo dài trắng gửi về cho Nhàn. Tôi vào đại học, mấy bộ áo dài không còn mặc nữa, tôi cũng mang về cho Nhàn. Bước sang tuổi thiếu nữ, Nhàn lột xác hẳn, gương mặt cóc cáy ngày trước giờ duyên dáng, mặn mà, suốt ngày giang nắng nhưng làn da Nhàn vẫn trắng trẻo, mịn màng. Nhàn ôm cặp thướt tha trong bộ áo dài đi học, đám trai làng cứ trộm nhìn. Mỗi khi về quê, đêm nằm bên Nhàn, tôi lại rì rầm kể chuyện bạn trai cùng trường. Nhàn chăm chú lắng nghe, còn dặn tôi yêu đương gì cũng phải lo học. Nhiều lần tôi hỏi về bạn trai, Nhàn lắc đầu bảo không có. Tôi lại gạn hỏi xem Nhàn có thầm thương ai không, Nhàn cũng một mực lắc đầu. Tôi lấy làm khó hiểu, Nhàn xinh đẹp, con trai làng bên chiều nào cũng lượn lờ sang làng tôi để trộm ngắm Nhàn. “Trái tim mày sắt đá quá Nhàn ạ!” có lần tôi đùa, Nhàn lại cười giục tôi ngủ kẻo khuya.

Tốt nghiệp đại học, tôi ra trường đi làm. Nhàn cũng học xong cấp ba nhưng không chịu thi vào đại học. Ngày ngày Nhàn ra vườn chăm luống rau, đàn vịt dưới ao. Lần nào về quê tôi cũng sững sờ ngắm Nhàn. Nhàn ngày càng xinh đẹp, mặn mà. Bà tôi nhiều lần giục Nhàn lấy chồng, nhưng Nhàn chỉ cười. Con gái ở quê trạc tuổi Nhàn đã tay bồng tay bế cả.

... Buổi chiều đi làm về tôi thấy mẹ tất bật gói ghém các thứ, ngẩng lên thấy tôi mẹ giục: “Con sắp xếp mai nghỉ một hôm, theo bố mẹ về quê bàn chuyện cưới xin cho em Nhàn, ông vừa nhắn lên”. “Nhàn lấy chồng?”, tôi ngạc nhiên. “Ừ, thì mẹ cũng chỉ biết vậy”. Cả nhà tôi về đến quê trời đã chiều, bà tôi ra đón từ đầu ngõ, nắm tay bố mẹ tôi kéo vào nhà. Bà bù lu bù loa: “Các con xem mà bảo nó, đẹp gái nhất cái làng này, trai làng đêm nào cũng xếp hàng ngoài ngõ mà không ưng, giờ một mực làm vợ thằng Lăng”. “Lăng nào hả mẹ?”, bố tôi hỏi. “Thằng Lăng ở phía sau nhà mình, vợ chết để lại đứa con gái nay 5 tuổi rồi”. Mẹ tôi lúc này mới quàng tay qua xoa cái lưng xương xẩu của bà: “Vậy là nó yêu thằng Lăng, vợ chồng là duyên nợ, mẹ chẳng thường nói với chúng con đó sao?”. “Nhưng... thằng Lăng gia cảnh khổ quá, mẹ sợ con Nhàn sau này sẽ khổ”, bà tôi vẫn chưa nguôi.

Tôi ra vườn tìm Nhàn, một lúc mới thấy Nhàn lóp ngóp lội dưới ao lên, hai ống quần xắn lên quá gối. Thấy tôi, Nhàn cười tươi rói: “Chị mới về à? Đợi em tí, em lùa vịt vào chuồng đã!”. Nhìn Nhàn thoăn thoắt đi, dáng người mềm mại, gương mặt đằm thắm dịu dàng, tôi thầm mừng cho người đàn ông có được Nhàn.

Lễ cưới Nhàn tổ chức giản dị, chỉ vài mâm cơm hai họ, vì Nhàn muốn thế. Trong chiếc áo dài hồng giản đơn, Nhàn vẫn đẹp đến sững sờ, nhiều trai làng quay đi tiếc nuối. Nhàn đi bên chồng, gương mặt sáng bừng, hạnh phúc, đứa bé gái lăng xăng chạy quanh, thỉnh thoảng dừng lại níu tay Nhàn thì thầm điều gì không rõ, chỉ thấy Nhàn dịu dàng cười: “Mẹ biết rồi!”.

Hôm cả nhà tôi lên lại thành phố, vợ chồng Nhàn đưa ra tận quốc lộ. Chồng Nhàn tất bật gói ghém các thứ quà quê cho mẹ mang về, chốc chốc ngẩng lên nhìn Nhàn âu yếm: “Em giúp anh một tay!”. Nhàn lại sà xuống bên chồng, tíu tít.

Ông bà tôi cũng đưa cả nhà tôi ra tận đầu làng. Để chồng chuyện trò cùng bố tôi, Nhàn đi chậm lại dìu ông nội. Ông giờ chậm lắm rồi, nhìn thiệt thương. Nhàn quay sang mẹ tôi thủ thỉ: “Vợ chồng con sẽ về ở cùng ông bà, cô chú cứ yên tâm!”. Tôi nhìn thấy trong mắt mẹ nỗi xúc động, mẹ nắm tay Nhàn thật chặt.

Đến cuối đường làng, ông tôi đang đi bỗng dừng lại ngước đôi mắt lèm nhèm nhìn về phía dòng sông. Trong nắng mai, một bầy nhàn trắng từ bến sông ríu rít bay về, chúng chao nghiêng cánh mỏng lượn một vòng la đà trên mặt sông rồi vụt bay đi. Ông nghiêng tai lắng nghe hồi lâu, rồi quay sang nắm tay bà kéo lại gần: “Bà có nghe thấy gì không?”. Bà lắc đầu ngơ ngác. “Tiếng dòng sông đang thì thầm đó, nó kể rằng...”. Không biết ông nói gì, chỉ thấy bà cười rúc rích, ngước đôi mắt hấp háy nhìn theo cánh chim cuối cùng đang khuất dần trong mây...

Tổng hợp nhiều nguồn

Tác giả: Vũ Ngọc Giao

Tin xem thêm

5 hoa hậu hot nhất trên mạng: Khó ai qua nổi Thùy Tiên, Khánh Vân và H'hen Niê

Giải Trí
25/12/2024 08

Hoa hậu Hương Giang, Khánh Vân, Thùy Tiên, H'hen Niê… là những cái tên được yêu thích nhất với hàng triệu người theo dõi và mức độ tương tác cao đáng ngưỡng mộ trong năm ...

“Bạn không thể thay đổi hướng gió, nhưng bạn có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đạt được mục tiêu của mình.” – Jimmy Dean

Giải Trí
24/12/2024 08

Câu danh ngôn này đến từ Jimmy Dean, một ca sĩ và diễn viên nổi tiếng. Dean muốn chúng ta nhận ra rằng, dù không thể kiểm soát mọi yếu tố bên ngoài, chúng ta vẫn có khả n...

Á hậu Hải Lam lên tiếng về thái độ 'lạ' gây tranh cãi

Giải Trí
24/12/2024 08

Biểu cảm buồn bã, bất ngờ của á hậu Hải Lam trong khoảnh khắc công bố kết quả Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long khiến cô nhận ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.

Cầu mong cho bạn được bình an

Giải Trí
24/12/2024 06

Tranh cãi Diệp Lâm Anh ngồi cạnh chồng cũ tại sự kiện, BTC lên tiếng

Giải Trí
23/12/2024 08

Việc người đẹp Diệp Lâm Anh ngồi cạnh chồng cũ tại sự kiện gây tranh cãi, ban tổ chức lên tiếng.

Cute text: Khi chụp hình

Giải Trí
23/12/2024 08

Tuyệt chiêu qua mặt ông bố vợ khó tính

Giải Trí
23/12/2024 06

Tèo vừa tan làm thì nhận được tin nhắn của bạn gái:

Mùi vị cà phê

Giải Trí
22/12/2024 06

Miếu uyên ương

Giải Trí
21/12/2024 20

Người phụ nữ sinh khó. Vật vã mãi đến gần sáng, nhưng may cũng mẹ tròn con vuông. Hai vợ chồng ôm con, nhìn bà rơi nước mắt. Rồi được mời cơm. Toàn món chay nguội và thiế...