Chuyện con gái Việt yêu người nước ngoài rồi lấy không phải thế kỷ XX mới có mà cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện chuyện này. Những cô gái lấy Tây trong con mắt người chịu ảnh hưởng của Nho giáo là chuyện tầy trời. Thậm chí nhà có con lấy Tây bị họ hàng, xóm giềng dè bỉu không chịu nổi phải bỏ Hà Nội đi tỉnh khác sinh sống.
Hồ Gươm từng chứng kiến ít nhất là mối tình Đông - Tây với muôn ngàn khó khăn trắc trở bởi định kiến và cuối cùng tình yêu đã chiến thắng.
Người đàn bà bán nước chè "chạy"
Trước khi bán nước chè "chạy" ở Bờ Hồ thì Vân là công nhân xây dựng. Vân cũng là người từng góp sức nhỏ bé xây dựng nhiều công trình lớn ở Thủ đô. Nhưng khi thực hiện đổi mới, doanh nghiệp không được bao cấp mà phải tự hạch toán dẫn đến nhiều công ty trong đó các công ty xây dựng lâm vào cảnh thiếu việc, công nhân nghỉ dài dài không lương. Năm 1989, công ty cho nghỉ theo Quyết định 176 của Chính phủ, nôm na là nhận một cục tiền rồi nghỉ việc.
Anh chồng rượu chè cờ bạc bỏ theo gái, một nách hai con, chạy ăn từng bữa, cuộc sống thật khó khăn với Vân. Không có sự lựa chọn nào khác, Vân vay tạm trăm bạc, sắm phích, ấm, chén, dăm cái ghế con, mua vài bao thuốc bỏ vào cái làn nhựa cho cuộc mưu sinh mới: bán nước chè ở Bờ Hồ.
Vì người ta cấm bán hàng rong quanh Bờ Hồ nên nhân viên an ninh trật tự tuần tra liên tục, bởi vậy Vân chỉ bán buổi tối. Nhưng bán buổi tối cũng là bán vụng bán “chạy” trộm, mắt lúc nào cũng phải quan sát nhân viên giữ trật tự, hễ thấy bóng là vơ vội đồ nghề chạy. Họ mà vớ được là mất trắng. Vì thế người ta gọi những người bán hàng như Vân là bán nước chè “chạy”. Dù phải chạy nhưng cũng vẫn kiếm được miếng cơm cho con vì người quanh Bờ Hồ đông từ sáng đến khuya.
...và cuộc tình sét đánh
Một buổi tối năm 2000, đang rót nước cho khách thì có một ông Tây ba lô đầu trọc lốc cứ đứng nhìn. Thấy lạ, anh này gọi một chén uống thử. Anh ta nhăn mặt lắc đầu vì không quen với thứ nước chát chát. Rồi anh ngồi lì ở đó cho đến khi Vân dọn hàng mới về khách sạn. Chén nước đó Vân "chém" mười nghìn đồng. Tối hôm sau anh chàng lại xuất hiện và cứ ngồi bên cạnh nhìn Vân bán hàng. Vân ra về anh chàng mới ra về. Liên tục như vậy gần một tuần liền.
Ảnh minh họa.
Thấy anh chàng có vẻ hiền nên có lúc Vân ra hiệu nhờ đi thu chén của những người đã uống xong. Hóa ra anh chàng cũng được việc. Anh chàng này người Pháp, 25 tuổi, tốt nghiệp đại học không xin được việc làm nên đi du lịch bụi. Chẳng biết nhờ ai dạy cho câu "Anh yêu em". Vân tưởng đùa nhưng anh ta nhắc đi nhắc lại mấy lần làm Vân bỗng xuất hiện cảm giác là lạ. Vân kể tối hôm đó mất ngủ vì cảm giác yêu sống lại trong người đàn bà đã bốn mươi không dám mơ tưởng bất cứ chuyện gì ngoài kiếm được nhiều tiền để nuôi con. Hôm sau anh ta không nói "Anh yêu em" mà lại nói "Anh yêu Vân".
Vân choáng. Miệng anh nhắc lại còn tay nhẹ nhàng cầm bàn tay thô ráp, chai sần của Vân. Sau này Vân kể lại chẳng hiểu sao lúc ấy cứ để nguyên như vậy cho đến khi có khách gọi thuốc lá mới như tỉnh khỏi cơn mê. Bình tĩnh lại Vân vừa nói vừa ra hiệu, ý như tại sao lại yêu tôi, anh chàng cười hiền và lắc đầu.
Thập niên 70 trở về trước, thanh niên Hà Nội có yêu nhau đến mấy, thậm chí ngày mai lên xe hoa cũng chỉ dám cầm tay hờ hờ khi không có người. Trai gái ra đường dắt tay nhau thể nào cũng bị lườm nguýt, quan niệm "nam nữ thụ thụ bất thân" khá phổ biến trong xã hội. Nặng nề hơn có người còn dè bỉu. Đến thăm người yêu, nhà đi vắng cả thì con gái biết ý phải mở toang cửa.
Nếu he hé lập tức sẽ thành chuyện nghiêm trọng ở máy nước. Muốn ôm hôn nhau, hầu hết các đôi tình nhân phải dẫn nhau ra bờ đê sông Hồng hay vào công viên Thống Nhất hoặc Bách Thảo. Vào công viên khá thoải mái bởi đôi bên phải hay đôi bên trái đều như họ, tình yêu cũng chỉ có bấy nhiêu việc.
Rồi Vân yêu thật, dù biết hơn anh Tây những 15 tuổi. Từ đó tối nào họ cũng gặp nhau. Có hôm mưa gió Vân cũng ra hai người mặc áo mưa ngồi trên ghế đá ôm nhau cho đến khuya. Anh chàng biết người yêu mình nghèo mới phải đi bán hàng chạy nên rất ý thức canh gác nhân viên trật tự. Mỗi lần nghe báo hiệu của người bán hàng phía trên, anh để Vân chạy trước rồi xách làn chạy theo sau.
Mọi người không hiểu vì sao ông Tây trọc đầu xách làn chạy. Mấy người bán nước cùng tưởng Vân yêu Tây, hẳn nhiều tiền nhưng có biết đâu Vân còn phải trả tiền phở cho chàng. Sau này tôi không thấy người đàn bà này bán nước ở khu vực đó nữa và cũng không biết cuộc tình của họ kết cục thế nào.
Tình yêu "không có lời"
Khi còn là sinh viên, người con gái Thụy Điển này đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tốt nghiệp đại học cũng là lúc mà Chính phủ Thụy Điển giúp đỡ Việt Nam xây dựng Nhà máy giấy Bãi Bằng ở Phú Thọ nên chị đăng ký xin làm việc cho dự án.
Việt Nam hấp dẫn chị ngay từ ngày đầu bởi phong cảnh và cuộc sống khá thanh bình. Người dân chị gặp ngoài đường tò mò nhìn chị nhưng thân thiện hay cười. Song chị nhận ra rằng, nếu chị gần họ hơn thì nụ cười trên môi lập tức biến mất và có thái độ lảng tránh. Những câu hỏi xuất hiện trong đầu nhưng chị chưa tìm được lời giải thích thuyết phục.
Anh học đại học ở Tiệp Khắc về và làm việc ở Bộ Ngoại giao. Đẹp trai và đàn ông. Từng học ở Tiệp Khắc nên khi về nước anh dễ dàng làm quen với một số giáo viên người Tiệp đang dạy ở trường Đại học Ngoại ngữ. Anh thường xuyên cùng đám bạn Tây uống bia và trong một lần tụ tập với đám bạn nước ngoài, anh gặp chị. Từ quý mến dẫn đến tình yêu rất ngắn.
Thời điểm năm 1980, chuyện yêu người nước ngoài là không dễ, lại càng khó với một công chức ngoại giao. Nhưng tình yêu thì dù ở đâu trên trái đất này cũng giống nhau và "Chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi". Chị ở Khách sạn Thống Nhất (nay là Khách sạn Metropole phố Ngô Quyền), tối tối, chị đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường Ngô Quyền như nàng Juliet ngóng chờ chàng Romeo trong vở bi kịch nổi tiếng mọi thời đại "Romeo và Juliet" của Sakespeare quan sát xem người yêu có đi qua không. Muốn rủ chị đi chơi, anh đạp xe đạp qua khách sạn. Từ cửa sổ, chị nhìn thấy sẽ lặng lẽ xuống đường, đạp xe theo sau.
Hai người thường xuyên ra quán cà phê ở góc ngã tư phố Hàng Dầu - Lò Sũ. Ngồi chung bàn và đối diện nhau nhưng không nói chuyện bằng lời mà chỉ bằng ánh mắt. Nếu trao đổi bằng tiếng Anh thì sau đó thế nào anh cũng bị ai đó "hỏi thăm". Trước lúc chia tay, cả hai bí mật luồn tay xuống gầm bàn trao thư. Có lần hẹn nhau ở Bồ Hồ, chị phải ăn mặc như phụ nữ Việt Nam, để che bộ tóc bạch kim chị cũng phải đội nón dù trời không mưa. Lén lút trao nụ hôn mà mắt vẫn phải liếc xung quanh.
Lá thư đòi quyền được cưới
Tình yêu kiểu như vậy kéo dài gần hai năm. Khi chị đặt vấn đề cưới, anh lảng tránh. Chị không sao hiểu nổi còn anh lại không thể giải thích cho chị, Bộ Ngoại giao có những quy định riêng, trong đó không được lấy vợ hay lấy chồng người nước ngoài. Chị tìm đến chỗ mẹ anh (mẹ anh là nhân viên văn phòng của ông Nguyễn Cơ Thạch - thời kỳ này ông Nguyễn Cơ Thạch là Thứ tưởng Bộ Ngoại giao), song bị bà lờ tảng. Cuối cùng thì chị hiểu và chị quyết định viết thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Người dịch bức thư sang tiếng Việt tên là Thắng. Bức thư khá dài với nội dung chủ yếu là hai người cùng yêu đất nước Việt Nam và việc một cô gái Thụy Điển yêu và muốn lấy một chàng trai người Việt đâu có gì là tội lỗi. Sau khi đọc thư, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có ý kiến với cơ quan anh để hai người lấy nhau.
Tuy nhiên lại có rắc rối về phần anh, cơ quan yêu cầu anh làm đơn tự nguyện xin ra khỏi ngành nhưng anh từ chối với lý do yêu người nước ngoài không phải là khuyết điểm. Nhưng cuối cùng thì cũng thống nhất được, anh ra khỏi cơ quan ngoại giao, chuyển sang dạy tiếng Tiệp hợp đồng ở một trường đại học. Báo chí Thụy Điển biết chuyện tình của họ muốn viết nhưng anh từ chối cung cấp thông tin. Họ cưới nhau vào năm 1982. Lễ cưới được tổ chức tại hội trường ủy ban nhân dân quận Ba Đình (phố Nguyễn Thái Học nay là Đại sứ quán Israel).
Đám cưới thu hút khá đông những người đi đường tò mò khi họ thấy cô Tây mặc áo dài. Cưới xong anh chị về Thụy Điển. Năm 1985 chị lại ký hợp đồng làm việc cho Nhà máy giấy Bãi Bằng, cả hai lại trở về Việt Nam. Khi đất nước mở cửa, mọi chuyện dễ dàng hơn. Anh chị lúc ở Thụy Điển, khi ở Việt Nam. Khi Chính phủ Thụy Điển mở văn phòng Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Hà Nội, anh Đô làm việc cho tổ chức này. Cả gia đình lại sinh sống ở Hà Nội.
Đầu năm 2007, chủ quán cà phê ở góc Hàng Dầu - Lò Sũ mà anh từng lấy làm địa điểm hẹn hò đã nhận ra anh qua một lần dạo phố, anh này đùa "Hồi đó tôi biết ông bà ngấm ngầm trao thư, tôi mà báo thì ông toi!".
Theo VietNamNet
Kiểu trang điểm thành nhân vật Toodles Galore trong phim hoạt hình "Tom và Jerry" được hàng nghìn TikToker thực hiện, hút triệu lượt xem.
MỸ - Một cặp đôi ở độ tuổi "xưa nay hiếm" đã quyết định kết hôn tại viện dưỡng lão sau 9 năm hẹn hò.
Bốn lô mỹ phẩm dưỡng trắng, chăm sóc da do một công ty tại TPHCM chịu trách nhiệm đưa ra thị trường vừa bị Bộ Y tế yêu cầu thu hồi trên toàn quốc do mẫu kiểm nghiệm không...
Đảm bảo nhu cầu khuyến nghị, lựa chọn nguồn thực phẩm lành tính, dễ hấp thu là những lưu ý khi bổ sung canxi.
Xuất ngũ về quê, đôi bạn thân ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã tận dụng nguyên liệu có sẵn ở địa phương, cùng nhau mở xưởng sản xuất đèn ngủ bằng trầm hương.
Tối hôm anh mua cốc nước dứa về, tôi nằm trằn trọc, tự hỏi liệu cuộc hôn nhân này có thể thay đổi không. Chúng tôi mới cưới nhau được gần 1 năm thôi mà.
Không chỉ làm gia vị, gừng còn có nhiều công dụng như kích thích mọc tóc, ngăn rụng và nuôi dưỡng tóc hiệu quả.
Sinh năm 2000, anh Tài muốn cưới vợ hơn mình 14 tuổi và đã có con riêng. Cha mẹ anh vẫn vui vẻ chào đón con dâu.
MỸ - Câu chuyện của cặp đôi gần 100 tuổi là minh chứng cho việc tình yêu không phân biệt tuổi tác và có thể đến bất cứ lúc nào.
Mẹ chồng chị Quyên công tác trong quân đội nên quen với tác phong gọn gàng, ngăn nắp, làm đến đâu sạch đến đấy.