Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứ lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng room tín dụng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.
Tại Hội nghị thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN đang thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tiếp tục giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng. Đồng thời, NHNN cũng đang nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ dần việc áp dụng biện pháp này theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo các ngân hàng, việc bãi bỏ room tín dụng sẽ khiến các ngân hàng chủ động hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh, cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để ngăn tín dụng tăng trưởng nóng.
Theo báo cáo tài chính quý II, 8 ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng trên 10% tính đến 30/6 và đang kỳ vọng được nới room tín dụng, gồm: NCB (16%), LPBank (15,2%), HDBank (13%), Techcombank (12,9%), ACB (12,8%), MSB (11,4%), Nam A Bank (10,7%), và VietBank (10,2%).
Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng tại LPBank đạt gần 16%, tại HDBank là trên 15% so với đầu năm, theo tiết lộ của lãnh đạo các nhà băng này tại hội nghị với thường trực Chính phủ.
Năm nay, NHNN phân bổ hết room tín dụng 15% cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm. NHNN có văn bản thông báo, từ ngày 28/8 các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ, không cần đề nghị cơ quan quản lý...
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2024, ĐBQH Hà Sỹ Đồng cho rằng, mục đích sử dụng room tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc áp đặt room tín dụng như vậy có thể phát sinh tình trạng xin - cho, nên đại biểu đề nghị bỏ hẳn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, lãi suất điều hành là một công cụ của NHNN giúp điều tiết hoạt động tài chính, thúc đẩy nền kinh tế hoặc hỗ trợ hoạt động sản xuất. Việc tăng giảm lãi suất điều hành sẽ do NHNN điều chỉnh và lựa chọn với các tỷ lệ khác nhau để phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các nước đang sử dụng công cụ hữu hiệu là kiểm soát tín dụng và chính sách tiền tệ bằng các chỉ tiêu an toàn hệ thống như hệ số thanh khoản với tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE)… và quan trọng nhất là tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR).
Trước đó, tại Nghị quyết số 62/2022 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ “nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng”.
Tại báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 62, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đang từng bước tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp này. Trong quá trình triển khai, NHNN nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, hiện áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu, gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát.
Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Theo Vietnamnet